sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam lần đầu vượt mức 10.000 tỷ đồng

25/02/2022

Sau khi Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) được Bộ Công thương cho phép liên thông với các Sở Giao dịch quốc tế, thị trường giao dịch hàng hóa trong nước đã được tổ chức vận hành một cách ổn định và bền vững, là tiền đề cho những bước phát triển đột phá. Tổng kết ngày giao dịch 24/2, giá trị giao dịch tại MXV lần đầu tiên vượt mức 10.000 tỷ đồng, là một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.

Cú hích từ nhóm nông sản và năng lượng

Theo Khối Quản lý giao dịch MXV, giá trị giao dịch hàng hóa trong ngày 24/2 đạt 10.294 tỷ đồng. Trong đó, nhóm các mặt hàng nông sản chiếm 49% và nhóm năng lượng chiếm 30% dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước. Tại MXV hiện nay đang niêm yết giao dịch 31 mặt hàng với 38 loại hợp đồng kỳ hạn (kỳ hạn tiêu chuẩn, mini và micro). Trong đó, nhóm nông sản gồm các mặt hàng liên thông với Sở Chicago như: ngô, đậu tương, khô đậu tương, dầu đậu tương, lúa mì Chicago, lúa mì Kansas và gạo thô. Nhóm năng lượng bao gồm: dầu thô WTI, xăng pha chế RBOB, khí tự nhiên liên thông với Sở NYMEX và dầu thô Brent, dầu ít lưu huỳnh liên thông với Sở ICE.

Giá trị giao dịch hàng ngày tại MXV

Trong ngày hôm qua, sau các thông tin về căng thẳng tại khu vực biển Đen, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 5/2022 có những thời điểm đã vượt mức 102 USD/thùng và là mức giá cao nhất kể từ giữa năm 2014 tới nay. Tuy nhiên, sau khi Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu tồn kho dầu thô bất ngờ tăng mạnh 4,5 triệu thùng trong tuần trước, giá dầu đã hạ nhiệt. Đóng cửa ngày, giá dầu Brent tháng 05 tăng 1,46% ở mức 95,42 USD/thùng, và giá dầu WTI tháng 04 tăng thêm 0,77% lên mức 92,81 USD/thùng. 

Trong diễn biến khác, nhóm nông sản cũng chứng kiến những biến động nóng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá lúa mì Chicago duy trì mức tăng kịch trần suốt từ phiên sáng cho đến sát thời điểm đóng cửa ngày giao dịch vào 2 giờ 20 phút (ngày 25/2). Do Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ 3 trên thế giới, nên lúa mì đang là một trong những loại hàng hóa nguyên liệu tăng mạnh nhất trong vài ngày qua.

Chỉ trong 3 phiên giao dịch gần nhất, giá lúa mì đã tăng hơn 16% và dự báo sẽ có thể tiếp tục tăng thêm nếu nguồn cung từ khu vực biển Đen bị gián đoạn kéo dài. Bên cạnh lúa mì, đậu tương cũng là mặt hàng nhận được rất nhiều sự chú ý của giới đầu tư. Trong phiên sáng, có những thời điểm giá tăng hơn 80 cents/giạ, nhưng đã đảo chiều giảm mạnh vào phiên tối và đóng cửa với mức giảm 17 cents. 

Giao dịch T0, 2 chiều và tính linh hoạt khi liên thông với thế giới

Hoạt động giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới được diễn ra thông suốt 24 tiếng mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Các giao dịch khớp lệnh được thực hiện với cơ chế T0, nghĩa là các nhà đầu tư có thể tất toán vị thế mua/bán bất kỳ lúc nào. Đây chính là ưu điểm vượt trội của giao dịch hàng hóa so các kênh đầu tư truyền thống khác, đặc biệt trong những phiên giao dịch thị trường biến động theo cả 2 chiều tăng và giảm. 

Theo ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV, cơ chế giao dịch T0 đã giúp dòng tiền luân chuyển rất nhanh trong những phiên thị trường biến động mạnh như hôm qua. Các nhà đầu tư chủ yếu chọn giải pháp lướt sóng ngắn, sau khi chốt lời có thể ngay lập tức chuyển sang giao dịch các mặt hàng khác đang diễn ra sôi động hơn. Các mặt hàng dầu thô thường có khối lượng giao dịch trên 1 triệu hợp đồng mỗi ngày, trong khi các mặt hàng nông sản cũng giao dịch với khối lượng trung bình từ 200.000 đến 500.000 hợp đồng. Vì thế, trong 1 ngày giao dịch, các nhà đầu tư có thể mở rất nhiều vị thế mua/bán đối với nhiều mặt hàng mà không gặp bất kỳ vấn đề nào về tính thanh khoản. 

Ngoài ra, không chỉ mở vị thế mua (long) khi kỳ vọng giá tăng, các nhà đầu tư hàng hóa có thể mở vị thế bán (short) với kỳ vọng giá giảm. Điều này giúp thị trường luôn xuất hiện những cơ hội kiếm lời dù giá hàng hóa tăng hay giảm. Trong những phiên giao dịch lên, xuống mạnh như đối với mặt hàng dầu thô và đậu tương trong ngày hôm qua, sự linh hoạt trong cơ chế giao dịch này đã được thể hiện rõ ràng và mang lại hiệu quả giao dịch cao hơn so thông thường. 

Hệ thống, phần mềm giao dịch hiện đại là điểm tựa

Theo ghi nhận từ 36 thành viên thị trường, dù giá trị giao dịch tăng kỷ lục, nhưng hoạt động giao dịch khớp lệnh của các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn diễn ra ổn định và thông suốt, không gặp bất kỳ sự cố nào. Các thao tác treo lệnh, thay đổi lệnh, hủy lệnh vẫn được liên thông trực tiếp với các Sở giao dịch quốc tế với độ trễ gần bằng 0. Điều này có được là nhờ sự đầu tư lớn về mặt công nghệ và cơ sở hạ tầng của MXV trong những năm qua.

Theo ông Dương Đức Quang, hệ thống giao dịch của MXV có thể đáp ứng được khối lượng và giá trị giao dịch cao gấp hàng chục lần so hiện nay. Phần mềm M-System với các thuật toán phức tạp và hiện đại đã ghi nhận mọi giao dịch một cách kịp thời, chính xác, giúp các nhà đầu tư nhanh chóng nhận được các thông tin về tài khoản để thực hiện giao dịch một cách hiệu quả nhất.

Với mục tiêu trở thành Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, cột mốc đạt giá trị giao dịch trên 10.000 tỷ đồng sẽ là sự khích lệ rất lớn không chỉ với MXV, mà còn với tất cả các thành viên thị trường và các nhà đầu tư hàng hóa tại Việt Nam. Với tôn chỉ minh bạch - chuyên nghiệp - hiệu quả, MXV khẳng định sẽ nỗ lực nâng cao tầm vóc của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập với thế giới.

Tin MXV