sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Thị phần môi giới hàng hóa 2023: Cuộc đua sôi động và quyết liệt

04/01/2024

Trong năm 2023, giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đạt trung bình hơn 4.000 tỷ đồng/ngày. Sau sụt giảm nhẹ trong quý I, khối lượng giao dịch (KLGD) tại MXV giữ ổn định trong suốt phần còn lại của năm 2023.

Top 5 chiếm 77% thị phần môi giới cả nước

Theo số liệu từ Khối Quản lý Giao dịch MXV, CTCP Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi là thành viên có thị phần môi giới giao dịch hàng hóa lớn nhất tại Việt Nam trong cả năm 2023, chiếm 24,4% tổng KLGD toàn thị trường. Kể từ khi chính thức trở thành thành viên kinh doanh của MXV vào tháng 01/2019, Gia Cát Lợi đã có 5 năm liên tiếp đứng vị trí dẫn đầu thị phần môi giới cả nước. 

Ba vị trí tiếp theo trong Top 5 đều bám sát Gia Cát Lợi, tạo nên cuộc đua thị phần rất sôi động trong năm vừa qua. CTCP Giao dịch Hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) kết thúc năm ở vị trí thứ 2 với 19,1% thị phần. CTCP Saigon Futures và Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị (Finvest) lần lượt xếp ở vị trí thứ 3 và thứ 4 với 18,3% và 12,7% thị phần. 

Trong khi 4 thành viên dẫn đầu đều là những thành viên kinh doanh đã hoạt động từ những ngày đầu thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam được Bộ Công Thương cho phép liên thông với thế giới, thì vị trí còn lại trong Top 5 đã tạo ra nhiều bất ngờ. Với 2 tháng cuối năm có KLGD giao dịch tăng đột biến, CTCP Hitech Finance đã vượt qua nhiều thành viên khác để cán đích với 3,2% thị phần, đứng thứ 5 cả nước. 

Top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam năm 2023

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Cuộc đua thị phần môi giới hàng hóa trong năm 2023 rất sôi động khi có sự thay đổi thứ hạng liên tục trong những tháng cuối năm. Top 5 hiện chỉ còn chiếm 77% KLGD toàn thị trường, giảm so với năm ngoái. Đây là tín hiệu cho thấy cuộc đua vào Top 5 sẽ còn quyết liệt hơn với nhiều cái tên tiềm năng mới trong năm 2024”.

Xếp ngay sau Top 5, CTCP Giao dịch Hàng hóa Sài Gòn Invest, CTCP Giao dịch Hàng hóa Quốc tế MXL và CTCP Giao dịch Hàng hóa Đông Nam Á là những thành viên đang nắm giữ thị phần môi giới tốt và ổn định trong năm 2023.

Dầu thô WTI là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất

Hiện nay, MXV đang niêm yết giao dịch 45 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Các sản phẩm được chia thành 4 nhóm: nông sản, năng lượng, nguyên liệu công nghiệp và kim loại. Trong năm 2023, mặc dù thị trường hàng hóa ghi nhận sự biến động ở cả 4 nhóm mặt hàng, nhưng nhóm năng lượng vẫn đạt KLGD nhiều nhất tại MXV. 

Khác với năm ngoái, dầu thô WTI đã soán ngôi dầu thô WTI micro trở thành sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trong năm 2023, chiếm 13,63% tổng KLGD. Dầu thô WTI micro với lợi thế ký quỹ thấp (chỉ bằng 1/10 so với ký quỹ của dầu thô WTI) đứng ở vị trí thứ hai, đạt 13,61% tổng KLGD.

Các vị trí xếp sau có sự xuất hiện của các mặt hàng chủ chốt trong cả 3 nhóm mặt hàng còn lại. Đậu tương và khô đậu tương lần lượt xếp thứ 3 và thứ 4 với 9,5% và 7,5% tổng KLGD. Cà phê Arabica đứng thứ 5 với 6,3%. Trong khi đó, với biến động rất mạnh trong năm vừa qua, hai mặt hàng trong nhóm kim loại là bạch kim và đồng micro đã vươn lên vị trí thứ 6 và thứ 7 với tỉ trọng lần lượt đạt 5,4% và 5,1%.

Các sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại MXV trong năm 2023

Đáng chú ý, kể từ tháng 6/2023, MXV đã chính thức triển khai giao dịch các hợp đồng quyền chọn hàng hóa với 8 sản phẩm liên thông với thế giới, bao gồm: ngô (CBOT), đậu tương (CBOT), lúa mì (CBOT), cà phê Arabica (ICE US), đường 11 (ICE US), dầu thô WTI (NYMEX), dầu thô Brent (ICE EU) và khí tự nhiên (NYMEX).

Sau 6 tháng giao dịch, các hợp đồng quyền chọn đã thu hút được sự chú ý rất lớn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. “KLGD tăng đều từng tháng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, khi thị trường đã trải qua giai đoạn làm quen với phương thức giao dịch mới này”, ông Quỳnh cho biết thêm.

Từng bước nâng cao hiệu quả giao dịch

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối diện với nhiều thách thức; các kênh đầu tư truyền thống có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong năm 2023. 

Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ 30 thành viên thị trường của MXV. Với các văn phòng và chi nhánh tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước, các thành viên là cánh tay nối dài giúp MXV tổ chức và vận hành thị trường một cách hiệu quả và chuyên nghiệp. 

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Trong năm qua, MXV đã liên tục tổ chức các hội thảo quốc tế, các buổi tập huấn, đào tạo quy mô lớn để giúp các thành viên cập nhật các kiến thức mới từ thị trường quốc tế. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Các thành viên của MXV cũng liên tục tổ chức các sự kiện quy mô lớn, giúp lan tỏa thị trường giao dịch hàng hóa tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. “Giữ vững kết quả giao dịch tốt trong năm 2023 là nhờ sự nỗ lực của tất cả các thành phần tham gia thị trường, là tiền đề giúp thị trường bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm 2024”, ông Quỳnh khẳng định.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)