Tin tức
Thị trường Giao dịch hàng hóa Việt Nam phát triển đột phá trong năm 2021
Năm 2021, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) dưới sự quản lý của Bộ Công Thương đã tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò là Sở giao dịch hàng hóa tập trung quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, tổ chức thị trường minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả. Kết quả này đến từ sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Ban lãnh đạo MXV; sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên và sự tuân thủ, nghiêm túc của các Thành viên thị trường. Bên cạnh đó, MXV đã sớm thực hiện chuyển đổi số, làm chủ công nghệ, nên thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã không bị gián đoạn, kể cả trong những thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng nhất.
Khối lượng giao dịch tăng mạnh, tỉ trọng các mặt hàng đồng đều hơn
Tổng kết năm 2021, khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV tăng 55% so với năm 2020. Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt 3.500 tỉ đồng. Trong đó, đã xuất hiện nhưng phiên có giá trị giao dịch trên 7.000 tỉ đồng, là mức kỷ lục của thị trường hàng hóa Việt Nam từ trước tới nay.
Tính đến ngày 31/12/2021, MXV đang niêm yết giao dịch 31 mặt hàng, chia thành 4 nhóm: Nông sản, Năng lượng, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại. Dầu đậu tương vẫn tiếp tục là mặt hàng có tỉ trọng giao dịch lớn nhất trong năm 2021, đạt 16,4% so với 40,5% trong năm 2020. Đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy các sản phẩm giao dịch tại MXV ngày càng nhận được sự quan tâm đồng đều hơn của các nhà đầu tư trong nước. Theo sát Dầu đậu tương, Ngô và Lúa mỳ Chicago lần lượt chiếm 12,6% và 12,0% tổng khối lượng giao dịch tại MXV.
Xét về mức độ tăng trưởng, không có gì bất ngờ khi nhóm Năng lượng chứng kiến dòng tiền tăng mạnh trong năm qua, với các biến động lớn của giá Dầu thô. Khối lượng giao dịch Dầu thô WTI tăng hơn 10 lần so với năm ngoái. Dầu thô WTI và Dầu thô Brent lần lượt đứng thứ 05 và thứ 09 trong số các mặt hàng có tỉ trọng giao dịch nhiều nhất tại MXV.
Cũng theo báo cáo của khối Quản lý Giao dịch, trong năm 2021, số lượng tài khoản giao dịch mở mới tại MXV đạt gần 7.000 tài khoản, nâng tổng số tài khoản trên thị trường hàng hóa lên gần mốc 20.000 tài khoản. Với sự chủ động về công nghệ, hệ thống M-System có thể đáp ứng được số tài khoản và khối lượng giao dịch cao gấp hàng chục lần so với hiện nay.
32 Thành viên kinh doanh và 04 Thành viên môi giới trên khắp cả nước
Kết quả giao dịch ấn tượng kể trên đến từ sự phát triển của mạng lưới Thành viên thị trường trên khắp cả nước trong năm qua. Tính đến cuối năm 2021, số lượng Thành viên thị trường của MXV tăng 50% so với năm ngoái với 32 Thành viên kinh doanh và 04 Thành viên môi giới, cùng các văn phòng, chi nhánh phủ rộng khắp các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Các Thành viên vừa là đối tác, vừa là những cánh tay nối dài giúp MXV tổ chức thị trường, nên công tác quản lý thành viên là một trong những công tác trọng tâm của MXV trong năm vừa qua. Một loạt các quy chế, quy trình, quy định mới đã được ban hành và phổ biến tới các Thành viên thông qua các buổi tập huấn trên quy mô toàn quốc. Trong đó, đáng chú ý là các yêu cầu cao hơn trong việc xét duyệt tư cách thành viên và Bộ quy định xử lý vi phạm thành viên. Với tôn chỉ minh bạch – chuyên nghiệp – hiệu quả, MXV và các Thành viên vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa phải tuân theo các quy định chung và đặc biệt là quy định về quản lý rủi ro của các Sở giao dịch quốc tế liên thông.
Liên tục bổ sung sản phẩm mới, bắt kịp xu thế của thế giới
Từ tháng 07/2021, sau một thời gian dài thương thảo và chuẩn bị kĩ lưỡng, MXV đã liên thông giao dịch thành công với Sở giao dịch Kim loại London (LME), nơi niêm yết giao dịch các mặt hàng kim loại lớn nhất trên thế giới. Như vậy, MXV hiện đã liên thông với hầu hết các Sở giao dịch lớn nhất toàn cầu bao gồm: Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CME Group), Sở giao dịch hàng hóa Liên lục địa (The ICE), Sở giao dịch Singapore (SGX), Sở giao dịch Osaka (OSE), Sở giao dịch Bursa Malaysia (BMD), Sở giao dịch Kim loại London (LME).
Phòng trực giao dịch tại trụ sở chính MXV
Điều này vừa giúp tính thanh khoản của giao dịch hàng hóa vượt trội so với các kênh đầu tư khác, vừa giúp MXV có thể mở rộng thêm nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giao dịch hợp đồng chênh lệch giá (spread) cũng đã chính thức được vận hành trong năm 2021, mang đến một làn gió mới cho thị trường.
Và cuối tháng 11 vừa qua, MXV cũng đưa vào giao dịch các sản phẩm mới của nhóm năng lượng gồm dầu thô WTI micro, dầu Brent và khí tự nhiên dưới dạng hợp đồng mini. Theo ghi nhận, các mặt hàng này đều nhận được sự quan tâm của giới đầu tư bởi thị trường có tính thanh khoản cao và mức ký quỹ rất hợp lý. Trong đó, hợp đồng dầu WTI micro mới được CME Group đưa vào giao dịch từ tháng 07/2021, nhưng chỉ sau 04 tháng đã có mặt tại thị trường Việt Nam và đã đạt khối lượng 8.000 hợp đồng giao dịch chỉ tính riêng trong tháng 12.
Đào tạo thị trường và quản lý rủi ro: Nền móng của thành công
Đề ra mục tiêu kép, vừa phát triển thị trường giao dịch nhanh và đột phá, nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và bền vững, MXV đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo thị trường, mà trong đó trọng tâm là các nghiệp vụ quản lý rủi ro.
Trong năm 2021, MXV đã tổ chức 9 khóa tập huấn nghiệp vụ dành cho các nhà môi giới và nhà đầu tư; cấp chứng nhận cho gần 400 học viên. Mỗi khóa đào tạo diễn ra trong vòng 02 tuần, với quá trình sát hạch kĩ lưỡng của Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo MXV sẽ giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, là nền móng cho sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đào tạo, nghiệp vụ quản lý rủi ro cũng đã chứng minh được tầm quan trọng, đặc biệt khi giá hàng hóa thế giới biến động mạnh như năm vừa qua. Chỉ số MXV-Index, chỉ số thể hiện sự biến động của giá hàng hóa thế giới, đã tăng hơn 50% trong năm 2021, và có những phiên giao dịch tăng đột biến từ 5 – 7%. Trong bối cảnh này, Khối Quản lý rủi ro MXV đã phải hoạt động liên tục 24/7, để đảm bảo thị trường vận hành ổn định, giảm thiểu rủi ro tối đa cho các thành viên, các nhà đầu tư trên thị trường.
Tiếp đà phát triển và những mục tiêu lớn trong năm 2022
Trong buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu vào ngày 03/12/2021, MXV khẳng định sẽ nỗ lực nâng cao tầm vóc và vị thế của Việt Nam và đặt mục tiêu trở thành Sở giao dịch hàng hóa lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần.
Bước sang năm 2022, công tác xây dựng kế hoạch phát triển thị trường đã được Ban lãnh đạo MXV hoạch định từ rất sớm với mục tiêu rõ ràng; có trọng tâm, trọng điểm; bám sát mục tiêu chiến lược trung và dài hạn; khai thác triệt để tiềm năng nhưng vẫn đề cao tính an toàn và bền vững của thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải tới thăm và làm việc tại MXV ngày 03/12/2021
Về công tác phát triển và quản lý Thành viên, tiếp tục nâng cao vai trò của MXV trong việc tổ chức thị trường minh bạch và ổn định. Yêu cầu các Thành viên tuân thủ các quy chế, quy trình, quy định do MXV ban hành. Việc duy trì tư cách Thành viên và xét duyệt các Thành viên mới sẽ đều có những yêu cầu cao hơn, phù hợp với sự phát triển của thị trường nói chung.
Về công tác điều hành thị trường, trong năm 2021, MXV đã ban hành 744 văn bản, trong đó sửa đổi, bổ sung gần 70 quy chế, quy trình để nhanh chóng cập nhật, điều chỉnh tất cả các hoạt động nghiệp vụ như giao dịch, quản lý rủi ro, thanh toán bù trừ, thành viên,...Trong năm 2022, MXV sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các văn bản, quy chế, quy trình, hướng dẫn, để điều hành thị trường một cách minh bạch và ổn định hơn nữa.
Về sản phẩm, MXV sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quan hệ quốc tế, thương thảo với các Sở giao dịch liên thông để niêm yết thêm các sản phẩm tiềm năng khác. Bên cạnh đó, MXV đang làm việc và phối hợp rất tích cực với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia để xây dựng và đưa vào triển khai các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn đối với các sản phẩm điện. MXV khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để góp sức cho sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, là bước chuyển mình tất yếu trên đà hội nhập và phát triển với thế giới.
Về công tác đào tạo, MXV sẽ tiếp tục phối hợp cùng các trường đại học, học viện, tổ chức giáo dục để phổ biến các kiến thức, thông tin về thị trường hàng hóa đến các bạn học sinh, sinh viên. Các hội thảo khoa học liên tục được tổ chức sẽ góp phần khẳng định vị thế của thị trường giao dịch hàng hóa trong nền kinh tế Việt Nam thời kỳ 4.0. Ngoài ra, MXV sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao dành cho nhà đầu tư và các môi giới hoạt động trên thị trường.
Về công nghệ thông tin, tiếp tục quá trình chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu của MXV trong năm 2022. Với việc kết nối dữ liệu thành công tới Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, MXV sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở dữ liệu, phát triển các công nghệ và nền tảng để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao hơn của Chính phủ và các nhà đầu tư.
Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam còn rất non trẻ so với lịch sử hàng trăm năm phát triển của các Sở giao dịch hàng hóa trên thế giới. Vì thế, MXV rất mong nhận được sự ủng hộ của Bộ Công Thương và các Bộ, ban, ngành liên quan; các hiệp hội ngành nghề; các thành viên thị trường; các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. Trong năm 2022, dựa trên nền tảng tiềm lực và những thành tựu đã đạt được, Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ nhân viên MXV quyết tâm nắm bắt cơ hội, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung cao độ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh; từ đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Công thương và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tin MXV