Tin tức
Bản tin TCKD ngày 13/03/2024: Kim loại quý gặp áp lực, giá thép nội địa đứt chuỗi tăng
Thị trường hàng hóa nguyên liệu đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá. Sắc xanh áp đảo trên bảng giá nông sản và công nghiệp. Trong khi đó, lực bán chiếm ưu thế đối với nhóm năng lượng và kim loại. Tuy vậy, lực mua mạnh hơn đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày tăng 0,19% lên 2.165 điểm, cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Đồng thời, giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng mạnh, hơn 13%, đạt gần 8.400 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 2.
Đáng chú ý, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hoá tương đối rõ. Trong đó, nhóm kim loại quý gặp áp lực rõ rệt sau báo cáo lạm phát tháng 2 của Mỹ. Chốt ngày, cả bạc và bạch kim đều giảm khoảng 1,3% giá trị, xuống còn lần lượt là 24,39 USD/ounce và 928,2 USD/ounce.
Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và tăng tốc từ mức 3,1% của tháng 1. Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI tháng 2 của Mỹ tăng 0,4%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1.
MXV cho biết, lạm phát tiếp tục gia tăng làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm hạ lãi suất vào nửa đầu năm đã khiến đồng USD lấy lại đà tăng, từ đó gây áp lực lên kim loại quý do chi phí nắm giữ và giao dịch đắt hơn, trong khi vai trò trú ẩn an toàn cũng kém hấp dẫn.
Ở chiều ngược lại, giá Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sở Singapore đảo chiều tăng hơn 2% lên 108,33 USD/tấn, dẫn đầu đà tăng của thị trường kim loại, sau khi lao dốc tới gần 7% trong ngày trước đó, khi các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng nhu cầu của Trung Quốc trong bối cảnh thiếu các gói kích thích mới.
Tuy nhiên, theo MXV, xu hướng chính đang là giảm giá bởi lĩnh vực bất động sản nhu cầu sắt thép của quốc gia tiêu thụ lớn nhất hiện vẫn chưa cho thấy sự phục hồi đáng kể nào.
Trên thị trường nội địa, mạch tăng giá kéo dài từ giữa tháng 11 năm 2023 cho tới tháng 1 năm 2024 chính thức bị đứt gãy. Thép xây dựng đã không nối lại được đà tăng giá sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán như kỳ vọng trước đó. Sang tháng 3, các nhà sản xuất điều chỉnh giảm giá bán thép theo diễn biến giảm giá của nguyên liệu đầu vào.
Cụ thể, ngày 11/3 vừa qua, nhiều nhà sản xuất thông báo giảm 200.000 đồng/tấn đối với giá bán thép cuộn xây dựng, bên cạnh đó một số nhà giảm đồng thời cả giá thép thanh vằn D10 ở mức 100.000 đồng/tấn. Đây là đợt giảm giá thép xây dựng chính thức đầu tiên của thị trường nội địa năm 2024. Theo đó, tại miền Bắc, thép CB240 hiện dao động quanh mức 14,14 triệu đồng/tấn, thép CB300 ở khoảng 14,53 triệu đồng/tấn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)