Tin tức
Bản tin TCKD ngày 19/02/2024: Sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại, giá dầu tăng 2 tuần liên tiếp
Thị trường hàng hóa nguyên liệu diễn biến phân hoá rất rõ trong tuần vừa qua. Lực bán hoàn toàn áp đảo trên 3 nhóm nông sản, công nghiệp và năng lượng. Trong khi đó, toàn bộ 10 mặt hàng kim loại đồng loạt tăng giá. Đóng cửa tuần, chỉ số MXV-Index sụt giảm 1,04% xuống 2.111 điểm.
MXV cho biết, giá kim loại đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ trong bối cảnh đồng USD liên tục suy yếu. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 3 trên Sở Singapore ghi nhận chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp, lên trên 131 USD/tấn. Hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim cũng đã nối dài đà tăng sang ngày thứ 3, trong đó giá bạc đã chạm mức cao nhất 6 tuần, đạt 913,5 USD/ounce nhờ vai trò trú ẩn an toàn được phát huy khi xung đột tại Trung Đông có chiều hướng gia tăng.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, thị trường dầu thô cũng cho thấy tín hiệu khởi sắc khi căng thẳng tại Trung Đông vẫn chưa thể hạ nhiệt, cùng với lo ngại nguồn cung toàn cầu sẽ thắt chặt hơn, đã đẩy giá dầu WTI kỳ hạn tháng 3 trên Sở NYMEX tăng 3,06% lên 79,19 USD/thùng; hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tháng 4 niêm yết trên Sở ICE tăng 1,56%, chốt tuần ở mức 83,47 USD/thùng. Như vậy, dầu thô đã có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp.
Tại Mỹ, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), sản lượng dầu thô từ bảy lưu vực đá phiến của Mỹ mặc dù dự kiến tăng 0,2% so với tháng trước lên 9,72 triệu thùng/ngày vào tháng 3, nhưng giảm tốc so với mức tăng trưởng trung bình hàng tháng của năm ngoái là khoảng 0,9%.
Trong khi đó, số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần vừa qua đã giảm 2 giàn xuống 497 giàn. Điều này có thể làm tăng mức độ thâm hụt của thị trường trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thực hiện cắt giảm sản lượng.
Còn tại Nga, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển cũng đã giảm trở lại sau khi ghi nhận mức cao nhất trong 7 tháng. Cụ thể, lưu lượng xuất khẩu hàng tuần của nước này đã giảm khoảng 290.000 thùng/ngày xuống 3,49 triệu thùng/ngày trong trước. Lượng dầu thô đến các nhà máy lọc dầu của nước này cũng ghi nhận mức suy giảm 4% trong hai tuần đầu tiên của tháng 2, so với mức trung bình của tháng 1 và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cung cấp thông tin nhà đầu tư cần lưu ý trong tuần này, MXV cho biết, tâm điểm chú ý sẽ tập trung vào biên bản họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ FED công bố vào 2h sáng thứ năm 22/2. Biên bản sẽ đưa ra quan điểm rõ ràng hơn đối với mục tiêu lạm phát và các kế hoạch về lãi suất của Mỹ trong thời gian tới. Thông thường, thông tin này sẽ có tác động nhiều đến các mặt hàng nhạy cảm với triển vọng kinh tế vĩ mô như dầu thô, kim loại và cà phê. Còn ngày hôm nay, phần lớn các mặt hàng đang liên thông với các Sở Giao dịch tại Mỹ sẽ nghỉ lễ hoặc đóng cửa sớm, nên lượng giao dịch sẽ bắt đầu quay trở lại kể từ ngày mai.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)