Tin tức
Bản tin TCKD ngày 22/09/2022: Thông tin vĩ mô gây áp lực lên các mặt hàng kim loại, năng lượng
Đóng cửa hôm qua (21/09), lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hoá khiến chỉ số MXV-Index quay đầu giảm nhẹ 0,36% xuống mức 2.527 điểm. Đêm qua theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đồng thời cam kết tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Thông tin này đã lập tức tác động mạnh lên thị trường hàng hoá nói chung, đặc biệt là nhóm các mặt hàng kim loại và năng lượng. Lực bán áp đảo, tuy nhiên dòng tiền đầu tư trong nước đến thị trường vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận mức tăng mạnh gần 15%, lên 5.700 tỷ đồng.
Ngoại trừ mức tăng 1,55% của giá bạc, hầu hết các mặt hàng kim loại còn lại đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đồng tháng 12 trên Sở COMEX giảm hơn 1% xuống còn 7.643 USD/tấn. Giá nhôm LME giảm hơn 2% xuống còn 2.202 USD/tấn. Giá kim loại suy yếu trước lo ngại mức lãi suất tiếp tục tăng cao sẽ gây ra rủi ro suy thoái kinh tế, làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp. Trái lại, vai trò trú ẩn an toàn đã thúc đẩy giá bạc trong phiên, trước thông tin căng thẳng gia tăng giữa Nga với Ukraine và các nước châu Âu.
Cùng với đó, trên thị trường năng lượng, giá WTI giảm 1,19% xuống 82,94 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0,67% xuống 88,8 USD/thùng. Mặc dù đã có thời điểm, giá dầu WTI tăng vọt lên mức 86,5 USD/thùng trước bất ổn chính trị. Tuy vậy, đà tăng của dầu bị đảo ngược, khi một loạt các thông tin tiêu cực gây sức ép lực bán trên thị trường.
Đêm qua theo giờ Việt Nam, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA phát hành báo cáo cho thấy tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tại Mỹ tiếp tục giảm trong tuần vừa qua, và hiện đã xuống dưới mức 19 triệu thùng/ngày, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp giá xăng đã liên tục hạ nhiệt. Cùng với đó, tồn kho dầu thô thương mại tiếp tục tăng tuần thứ 3 liên tiếp, lên mức cao nhất trong 6 tuần Sự suy yếu trong tiêu thụ xăng tại Mỹ là yếu tố gây sức ép trong báo cáo tối qua.
Lực bán càng gia tăng sau kết quả cuộc họp Fed. Trước đó, thị trường đã kỳ vọng sau 2 cuộc họp tháng 11 và tháng 12, Fed sẽ có thể giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất. Tuy vậy, sau cuộc họp, phần lớn đã nhận định quá trình tăng lãi suất sẽ còn kéo dài đến năm 2023, đẩy lãi suất lên 4,5-4,75%. Dollar Index tiếp tục tăng mạnh, phá vỡ đỉnh trong năm nay, cũng gây tác động rất tiêu cực lên giá dầu.
Mới đây nhất, theo Bloomberg, Trung Quốc vừa tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu. Với tình hình hiện tại, điều này được xem là dấu hiệu tiêu thụ dầu nội địa của Trung Quốc đang suy yếu dần, nhất là khi không có dấu hiệu nào là chính sách Zero-Covid sẽ được nới lỏng.
MXV nhận định, sau diễn biến giá tối qua, có thể thấy rõ, lo ngại về nhu cầu trong trung hạn đang lấn át các rủi ro về nguồn cung. Các yếu tố về vĩ mô sẽ tiếp tục quyết định hướng đi của thị trường, cho đến khi có sự thay đổi rõ ràng trong cân bằng cung-cầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)