Tin tức
Bản tin TCKD ngày 23/05/2022: Tăng mạnh trong tuần, kim loại vẫn chưa hồi phục về mức đầu tháng
Thị trường hàng hoá đóng cửa tuần giao dịch vừa qua với sự phân hoá rõ rệt trên bảng giá. Điều này khiến chỉ số MXV - Index chỉ tăng nhẹ 0,88%, tuy nhiên vẫn giữ được mức 3.000 điểm. Theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, thị trường chứng kiến dòng tiền đầu tư gia tăng mạnh mẽ trong tuần khi giá trị giao dịch đạt hơn 7.1000 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 18% so với tuần trước đó.
Trong đó, thị trường hướng sự quan tâm đặc biệt đến nhóm kim loại, khi mà chỉ số MXV - Index Kim loại tăng đến 3,71% lên 1.943 điểm nhờ mức tăng tương đối mạnh của tất cả 10 trên 10 mặt hàng trong nhóm, giá trị giao dịch tính riêng nhóm này cũng đạt hơn 890 tỷ đồng mỗi phiên.
Sắc xanh bao phủ tuyệt đối trên bảng giá Kim loại với mức tăng mạnh nhất 6,51% của giá Nhôm LME, chốt tuần ở mức 2.969,5 USD/tấn. Giá quặng sắt trên Sở Singapore cũng đã tăng gần 5,6% lên hơn 134 USD/tấn. Còn đối với nhóm kim loại quý, giá bạc kỳ hạn tháng 7 trên Sở COMEX tăng 3,2%, đóng cửa ở 21,67 USD/ounce và giá bạch kim cùng kỳ hạn trên Sở NYMEX tăng 1,12% lên 941,1 USD/ounce.
Như vậy, mặc dù đã trải qua phần lớn các phiên tăng trong tuần qua, tuy nhiên giá các mặt hàng kim loại nhìn chung vẫn chưa thể phục hồi về mức đầu tháng 05. Cả kim loại quý và kim loại cơ bản đều nhận hỗ trợ từ việc đồng Dollar có tuần suy yếu đầu tiên kể từ cuối tháng 03 đến nay. Điều này đã làm giảm áp lực đối với chi phí nắm giữa vật chất giúp giá kim loại tăng vọt.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp phong toả và nỗ lực của Chính phủ trong việc khôi phục nền kinh tế cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của cả bạc và bạch kim, vốn là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của các ngành công nghiệp ô tô và năng lượng tái tạo cùng với các kim loại cơ bản như đồng, quặng sắt.
Còn trên thị trường Năng lượng, dầu WTI tăng 1,52%, đóng cửa ở hơn 110 USD/thùng và dầu Brent tăng nhẹ 0,9%, lên 112,55 USD/thùng. Cùng với đó, giá khí tự nhiên tăng đến gần 5,5%, tiến sát mức 8,1 USD trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh sau thông tin Nga ngừng cung cấp mặt hàng này cho Phần Lan với lý do nước này không chấp nhận thanh toán bằng đồng Rúp.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung một lần nữa trở thành yếu tố chính khiến giá năng lượng tăng trở lại trước bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng. Theo ước tính, xung đột có thể làm ảnh hưởng tới khoảng 3 triệu thùng dầu thô/ngày và 2 triệu thùng sản phẩm lọc dầu/ngày từ Nga, tương đương gần 7% nguồn cung dầu thế giới. Mặc dù nước này đang tích cực chuyển hướng thị trường sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, tuy nhiên giới phân tích cho rằng sản lượng dầu của Nga có thể sụt giảm 2-3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trở nên tích cực hơn khi cả Mỹ và Trung quốc, 2 quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới có khả năng sẽ sử dụng nhiều hơn vào tháng 06 này. Nước Mỹ sắp bước vào mùa lái xe bắt đầu từ ngày lễ Tưởng niệm 30/5 còn chính phủ Trung Quốc thì kỳ vọng dỡ bỏ phong toả Thượng Hải đểu trờ về “cuộc sống bình thường” từ 01/06. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, đây sẽ là tín hiệu khởi sắc thúc đẩy giá dầu trong giai đoạn tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)