sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 23/11/2023: Giá thép nội địa tăng sau 19 lần điều chỉnh giảm

23/11/2023

Chốt ngày giao dịch 22/11, sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu. 24 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt suy yếu, kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,81% xuống 2.201 điểm, kết thúc chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp trước đó.

 Mặc dù vây, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn gia tăng mạnh mẽ trong ngày hôm qua. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.400 tỷ đồng, tăng vọt gần 40%, lên mức cao nhất trong gần 3 tuần trở lại đây.

Nhóm kim loại dẫn dắt xu hướng chung của thị trường khi 9 trên 10 mặt hàng ghi nhận các mức giảm tương đối mạnh. Trên Sở LME, giá niken giảm hơn 3,2%. Chì và kẽm đánh mất hơn 2% giá trị. Các mặt hàng còn lại cũng suy yếu trên 1%. 

Cùng với đó, cả 2 mặt hàng kim loại quý cũng chịu sức ép bán mạnh. Trong đó, hợp đồng bạch kim kỳ hạn tháng 1 năm sau niêm yết trên Sở NYMEX đánh mất 1,61% giá trị, xuống mức 930,7 USD/ounce, đứt chuỗi tăng hai phiên liên tiếp.

MXV cho biết, đồng USD hồi phục từ mức thấp nhất 2 tháng, kết hợp với việc nhà đầu tư tăng cường chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ là 2 nguyên nhân chính gây sức ép lớn lên giá kim loại trong ngày hôm qua.

Điểm sáng duy nhất trên thị trường kim loại thuộc về quặng sắt khi giá mặt hàng này đã nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, với  mức tăng 1,05% lên 134,67 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2023.

Theo MXV, quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do đó, việc Chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản tiếp tục thúc đẩy giá quặng sắt phục hồi.  

Cùng chung xu hướng, trên thị trường nội địa, sau hơn 2 tháng đi ngang, ngày 21/11 vừa qua, một số doanh nghiệp thép trong nước đã thông báo điều chỉnh tăng giá đối với cả sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc tăng lên 13,58 triệu đồng/tấn, tăng từ mức giá 13,43 triệu đồng/tấn. Trong khi giá thép thanh vằn D10 CB300 tăng từ 13,74 triệu đồng/tấn lên 13,89 triệu đồng/tấn.

Như vậy, sau 19 lần điều chỉnh giảm, giá thép trong nước đã phục hồi trở lại. Theo MXV, nguyên nhân chủ yếu là do tiêu thụ đang trong giai đoạn ấm dần khi thị trường bất động sản dần phục hồi và sự gia tăng đầu tư công trong những tháng cuối năm. Hơn nữa, việc giá điện bị điều chỉnh tăng làm gia tăng chi phí sản xuất cũng thúc đẩy các doanh nghiệp nâng giá bán thép.

Trong bối cảnh giá thép và giá nguyên liệu thô sản xuất thép tại Trung Quốc liên tục tăng cao trong giai đoạn gần đây, giá thép nước ta vẫn còn dư địa tăng trong thời gian tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)