sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 24/01/2024: Sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại

24/01/2024

Ngày hôm qua, lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khi có đến 24 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày tăng 0,66% lên 2.123 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 5.000 tỷ đồng.

Tâm điểm chú ý của thị trường hướng về nhóm kim loại khi toàn bộ 10 trên 10 mặt hàng đồng loạt tăng giá trong ngày hôm qua. 2 mặt hàng kim loại quý đều ghi nhận khởi sắc, tuy nhiên, biên độ tăng hẹp trong bối cảnh một số nhà đầu tư tìm kiếm biện pháp trú ẩn trước diễn biến phức tạp quanh khu vực Biển Đỏ. Đóng cửa, giá bạc tăng 0,74% lên 22,46 USD/ounce. Giá bạch kim tăng nhẹ 0,28% lên 905,5 USD/ounce. 

Trong khi đó, trên Sở Giao dịch Kim loại LME, các mặt hàng kim loại cơ bản đón nhận lực mua rất tích cực. Giá nhôm tăng hơn 3%. Chì, thiếc, kẽm đều ghi nhận mức tăng trên 2%.

MXV cho biết, lực mua mạnh mẽ xuất hiện ngay từ đầu phiên sau thông tin các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tìm cách huy động khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương 278 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Động thái của Chính phủ diễn ra ngay sau một đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, khiến chỉ số CSI 300 chuẩn xuống mức thấp nhất 5 năm. 

Động thái hỗ trợ trên đã đem lại tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư, là nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng giá cho nhóm kim loại cơ bản trong ngày hôm qua.

Trên thị trường nội địa, trong bối cảnh giá thép và giá nguyên liệu thô tại Trung Quốc liên tục tăng cao vào cuối năm 2023, các doanh nghiệp thép nước ta cũng đã có 5 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp kể từ ngày 21/11, chấm dứt chuỗi giảm giá 19 lần. Tổng mức điều chỉnh tăng trong 5 lần là trên 700.000 đồng/tấn, với giá hai dòng thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 ở miền Bắc hiện lần lượt ở mức 14,14 triệu đồng/tấn và 14,53 triệu đồng/tấn.

Kênh tiêu thụ nội địa và xuất nhập khẩu đều ghi nhận một vài tín hiệu khởi sắc. Vào tháng 11, doanh số bán thép nội địa đạt trên 2,5 triệu tấn, đánh dấu mức tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Nhập khẩu tăng vọt, trong khi xuất khẩu cũng đi lên. Điều này một phần là thành quả bước đầu từ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, việc thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công trong giai đoạn cuối năm, cùng với hoạt động sản xuất công nghiệp khác, cũng góp phần đem lại hiệu ứng tốt cho giá sắt thép. 

Theo MXV, năm 2024, thị trường thép sẽ tiếp tục có thêm các động lực phục hồi, nhất là khi bất động sản dự kiến sẽ dần đi lên từ giai đoạn khó khăn nhất. Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), dự kiến tiêu thụ thép trong năm 2024 tăng 6,4%, đạt gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ở mức tăng 12% lên gần 13 triệu tấn. Nhìn chung, triển vọng sản xuất thép của Việt Nam có thể sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 nhờ kỳ vọng nhu cầu thép thế giới phục hồi. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)