Tin tức
Chỉ số hàng hoá thế giới MXV- Index bật tăng trở lại, kết thúc chuỗi giảm 3 ngày liên tiếp
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch hôm qua (10/11), ngoại trừ nhóm Nông sản, cả 3 nhóm hàng hoá nguyên liệu còn lại là Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại và Năng lượng đều đón nhận lực mua tích cực. Điều này đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index đảo chiều tăng 0,66% lên 2.504 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó.
Đóng góp quan trọng vào đà tăng của thị trường trong ngày hôm qua là mức tăng tương đối mạnh của các mặt hàng kim loại và năng lượng, được hỗ trợ trước số liệu lạm phát chậm lại tại Mỹ trong tháng 10 vừa qua. Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở cũng đã tiếp tục tăng mạnh ngày thứ 3 liên tiếp với mức tăng hơn 7%, đạt hơn 7.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng gần 6 tháng trở lại đây và cao hơn đến 70% so với mức trung bình trong tháng 10.
Dữ liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với hầu hết các mặt hàng kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11, tâm điểm về dữ liệu lạm phát Mỹ trong tháng 10 là nhân tố chính thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc mở cửa phiên với mức giá thấp hơn và diễn biến giằng co, nhưng nhanh chóng tăng vọt vào phiên tối và kết thúc tại mức giá 21,70 USD/ounce sau khi tăng 1,76%. Bạch kim ghi nhận mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng 9/2020, với mức tăng 5,79% lên 1.055 USD/ounce, mức đóng cửa cao nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay.
Dữ liệu từ Chính phủ Mỹ vào tối qua cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng chậm lại trong tháng 10 ở mức 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy mức tăng hàng năm xuống dưới 8% lần đầu tiên trong tám tháng. Con số này thấp hơn mức tăng 8,2% vào tháng 9 và đánh bại dự đoán ở mức 8,0% của thị trường. Đây là dữ liệu mạnh nhất đang cho thấy lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Điều này khiến thị trường tin rằng Fed có thể sẽ xem xét làm giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ trong cuộc họp tháng 12 và sau đó. Tâm lý trên đã kéo dòng tiền quay trở lại thị trường rủi ro, và khiến đồng Dollar Mỹ suy yếu mạnh trong phiên, từ đố hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với lãi suất và tiền tệ.
Thêm vào đó, dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua cũng tăng 7.000 lên 225.000 đơn, củng cố thêm lo ngại về các sức ép dần xuất hiện trên thị trường lao động có thể khiến Fed cân nhắc hơn về các mức tăng lãi suất nhỏ trong tương lai. Đa số các mặt hàng kim loại, đặc biệt là nhóm kim loại quý đều bật tăng mạnh mẽ sau các dữ liệu này.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, dữ liệu lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ là nguyên nhân chính kéo giá đồng COMEX và đồng LME đều tăng vọt, lần lượt ghi nhận đà tăng 1,57% và 2,06%. Trong đó, đồng COMEX đóng cửa tại mức giá cao nhất trong vòng hơn 4 tháng qua. Trái ngược với xu hướng tăng trong phiên, giá quặng sắt suy yếu với mức giảm 2,19% xuống 86,51 USD/tấn trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục tăng cao và ngày càng nhiều khu vực bị phong tỏa làm dấy lên lo ngại về nhu cầu sắt thép trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng. Cường quốc sản xuất phía nam Quảng Châu, nơi sở hữu nhiều nhà máy sản xuất ô tô lớn đang là tâm điểm của đợt dịch lần này. Trong khi đó, doanh số bán ô tô của Trung Quốc ghi nhận mức tăng chậm nhất trong 5 tháng vào tháng 10, chỉ tăng 6,9% so với mức tăng đáng kể 25,7% trong tháng 9 cũng đã gây sức ép tới sắt thép, vốn chiếm khoảng 6% nhu cầu cho sản xuất ô tô tại quốc gia này.
Giá dầu tăng trở lại, chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch biến động ngày hôm qua, khi thị trường đón nhận được tín hiệu tích cực từ tình hình lạm phát tại Mỹ. Cụ thể, giá WTI tăng 0,75% lên 86,47 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1,1% lên 93,67 USD/thùng.
Trong phiên, đã có lúc giá dầu giảm sâu do các tin tức tiêu cực từ dịch Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Số ca nhiễm liên tục tăng đã dập tan mọi kỳ vọng về sự mở cửa một cách nhanh chóng của nước này, bất chấp một số tín hiệu về việc nới lỏng các quy định về thời gian tự cách ly hay các chuyến bay quốc tế.
Tuy vậy, giá đã phục hồi trong phiên tối, khi thị trường nhận được thông tin tích cực là lạm phát tại Mỹ đang trên đà giảm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 10 chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng 6,5% của thị trường. Lạm phát tăng thấp hơn dự đoán có thể khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất, đồng thời kéo mức đỉnh lãi suất dự kiến xuống, có thể không cao như mức 5% mà giới phân tích đang kỳ vọng.
Đồng Dollar Index đang giảm mạnh cũng hỗ trợ cho sức mua trong phiên tối. Dollar Mỹ giảm giá trị so với các tiền tệ khác trong rổ, khiến cho chi phí nắm giữ hợp đồng dầu trở nên rẻ hơn so với người mua.
Bên cạnh đó, việc Nga dự kiến sản lượng sẽ sụt giảm từ 9,9 triệu thùng dầu/ngày xuống còn 9 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian tới cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá dầu. Lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga của châu Âu càng đến gần, thì khả năng thị trường rơi vào thiếu hụt càng lớn.
Nhập khẩu xăng dầu tiếp tục giảm trong tháng 10
Theo thống kê Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, nhập khẩu xăng dầu đạt 602 nghìn m3, trị giá 556 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 10% về giá trị so với tháng 9.
Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập khẩu 7,1 triệu m3 xăng dầu các loại, tương đương kim ngạch 7,3 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng gần 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)