Tin tức
Chính sách thắt chặt tiền tệ đẩy giá năng lượng, kim loại đồng loạt giảm
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (17/11), bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới chìm trong sắc đỏ. Lực bán rất mạnh, đặc biệt trên thị trường kim loại đã kéo chỉ số MXV- Index giảm mạnh hơn 2%, xuống 2.462 điểm, thấp nhất kể từ đầu tháng 11.
Dòng tiền đến thị trường cũng sụt giảm mạnh, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước, trong ngày mà thị trường chứng kiến rất nhiều biến động. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 4.500 tỷ đồng.
Lực bán hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/11, sắc đỏ bao phủ toàn bộ các mặt hàng trong nhóm kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc và bạch kim đồng loạt suy yếu với các mức giảm ghi nhận lần lượt là 2,55% xuống 20,97 USD/ounce và 2,43% xuống 991,5 USD/ounce.
Đồng Dollar Mỹ ghi nhận đà phục hồi trở lại trong phiên hôm qua sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang St. Louis James Bullard, đã khẳng định lãi suất vẫn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới. Điều này đang là nguyên nhân chính gây sức ép cho giá bạc và bạch kim trong phiên. Cụ thể, ông Bullard cho rằng chính sách mục tiêu của Fed cần tăng lên ít nhất trong phạm vi từ 5% đến 5,25% so với mức hiện tại dưới 4%. Đồng thời, ông cũng cho rằng việc tăng lãi suất cho đến nay "chỉ có tác động giới hạn nhất định đối với lạm phát đang được quan sát". Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cũng cho biết việc tăng lãi suất nên tiếp tục cho đến khi có bằng chứng rõ ràng là lạm phát đã đạt đỉnh. Bên cạnh đó, thị trường lao động vẫn chưa cho thấy dấu hiệu áp lực nào đáng kể, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm 4.000 người xuống mức 222.000 người trong tuần trước. Các thông tin này đang hạn chế tâm lý rủi ro của các nhà đầu tư và thúc đẩy nhu cầu nắm giữ tiền mặt có tính thanh khoản cao, đồng Dollar Mỹ phục hồi do đó đã khiến lực bán gia tăng trên thị trường kim loại quý.
Đối với thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 2,27% xuống 3,68 USD/pound. Bên cạnh sức ép từ đà tăng trở lại của đồng Dollar Mỹ, dữ liệu về số giấy phép xây dựng của Mỹ giảm 38.000 xuống 1,526 triệu trong tháng 10, phản ánh áp lực chi phí vay tác động đến thị trường bất động sản khiến cho nhu cầu về đồng cũng trở nên hạn hẹp hơn. Ngoài ra, với việc Đảng Cộng hòa giành ưu thế ở Hạ viện, họ đang chuẩn bị thiết lập kế hoạch thúc đẩy khai thác kim loại như lithium và đồng nhằm tự chủ ngành EV, bằng cách rút bớt một nửa thời gian xem xét phê duyệt giấy phép khai thác. Điều này cũng làm tăng kỳ vọng về nguồn cung đồng, gây áp lực đến giá.
Niken LME tiếp tục phiên giảm mạnh gần 9% sau khi Sở LME trong một động thái tăng cường giám sát với những biến động mạnh trên thị trường này, đã tăng mức ký quỹ thêm 28%, từ 4.765 USD lên 6.100 USD.
Dầu Brent mất mốc 90 USD/thùng
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua, đánh dấu phiên giảm thứ 3 trong tuần. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/11, giá WTI giảm 4,62% xuống 81.64 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,31% xuống 89,78 USD/thùng.
Dầu thô chịu sức ép từ phiên sáng khi thị trường tiếp tục đón nhận các thông tin tiêu cực về dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Bên cạnh đó là các thông tin về một số cuộc biểu tình diễn ra ở nước này, tuy nhiên chính phủ vẫn không có dấu hiệu gì sẽ khoan nhượng về chính sách Zero-Covid. Lo ngại về các hoạt động phong tỏa sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đang là yếu tố lớn nhất gây sức ép lên giá dầu. Trong khi đó, các bất ổn về xã hội tại nước này có thể làm lu mờ các chính sách hỗ trợ kinh tế mà chính phủ đưa ra. Hiện tại, nước này đã yêu cầu nhà cung cấp chính là Saudi Arabia giảm khối lượng dầu cung ứng cho các nhà máy lọc dầu, cũng như giảm tốc độ trong việc mua dầu Nga.
Giá dầu tiếp tục giảm sâu trong phiên tối, khi Chủ tịch Fed louis James Bullard một lần nữa thể hiện quan điểm “diều hâu” trong chính sách tiền tệ, với phát biểu rằng lãi suất cần phải tăng ít nhất lên mức 5 – 5,25%. Trước đó, thành viên Fed này cho biết ông kỳ vọng lãi suất sẽ ở mức 4,75% - 5%. Cùng quan điểm là chủ tịch Fed Minneapolis, cho rằng vẫn chưa thể rõ mức đỉnh lãi suất sẽ là bao nhiêu. Thậm chí trên thị trường còn có ý kiến cho rằng lãi suất phải tăng lên mức 7% để khống chế lạm phát. Lãi suất tăng cao làm tăng chi phí vay cho nền kinh tế, làm giảm các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, và từ đó gây sức ép lên giá dầu. Bên cạnh đó, Dollar Index tăng mạnh trong phiên tối cũng khiến cho chi phí nhập khẩu của các quốc gia tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt tại khu vực châu Á, tăng mạnh. Một loạt các thông tin tiêu cực đang đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10.
Giá kim loại, năng lượng khó bứt phá trong cuối năm nay
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, nhìn chung triển vọng thị trường năng lượng và kim loại sẽ khó có sự bứt phá mạnh trong giai đoạn cuối năm nay khi đang chịu nhiều sức ép lớn về yếu tố vĩ mô cũng như cán cân cung cầu. Bức tranh tiêu thụ kém sắc của nhà tiêu thụ dầu thô và kim loại hàng đầu thế giới Trung Quốc trước các tác động của dịch bệnh vẫn đang là yếu tố chính gây sức ép tới giá các mặt hàng này. Do đó, nhiều khả năng giá sẽ khó thoát khỏi vùng đi ngang trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, đối với giá dầu, nguồn cung có thể sẽ có sự thay đổi đáng kể vào năm sau, khi mà lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga cùng với các dịch vụ vận tải biển đang đến gần. Sẽ rất khó có thể bù đắp khoảng trống nguồn cung từ Nga và khả năng giá dầu tăng trở lại vào năm sau vẫn còn tiềm ẩn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)