Tin tức
Cơ hội phục hồi mong manh của thị trường đồng trong quý III năm 2022
Đồng vốn được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế bởi tính ứng dụng đa ngành. Tuy nhiên, giá đồng COMEX liên tục lao dốc kể từ đầu quý II cho đến nay và đã đạt mức thấp nhất trong vòng 17 tháng, phản ánh bức tranh tăng trưởng tiêu cực. Bước sang quý III, thị trường đồng nhiều khả năng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó, áp lực về suy thoái kinh tế được dự đoán sẽ là bài toán nan giải bậc nhất.
Giá đồng phá vỡ những tích lũy từ đầu năm 2022
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), trong quý II, chỉ số MXV- Index Kim loại đã đánh mất 614 điểm, tương đương với khoảng 27%. Với khối lượng giao dịch chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm kim loại, sự lao dốc của giá đồng đã trực tiếp khiến chỉ số trên sụt giảm mạnh mẽ.
Tính đến hết ngày 05/07, giá đồng COMEX đạt mức 7.526 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2020, và đã xoá sạch những tích lũy từ đầu năm đến nay. Đồng LME cũng đã đánh mất khoảng 22% giá trị và trải qua quý tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Trong bối cảnh hàng loạt các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tham gia vào cuộc chiến tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, lo ngại về suy thoái kinh tế hiện diện rõ ràng hơn và gây áp lực đối với thị trường đồng, đặc biệt là trong quý II vừa qua.
Từ cường quốc Mỹ cho tới khu vực đồng tiền chung Châu Âu, hoạt động tại các nhà máy đều có dấu hiệu chững lại. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đo lường sức khoẻ hoạt động sản xuất tại Mỹ giảm từ mức 57 xuống 52,7 điểm trong tháng 6, và là mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm. Gam màu ảm đạm này cũng xuất hiện tại khu vực châu Âu khi PMI sản xuất tháng 6 trong khu vực đạt mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu càn quét. Tương tự, về phía châu Á, quốc gia tiêu thụ đồng lớn thứ 2 thế giới, Nhật Bản, hay đất nước mà hoạt động xuất khẩu được coi là đại diện thương mại toàn cầu, Hàn Quốc đều cho thấy tốc độ chậm lại trong hoạt động của các nhà máy.
Có thể thấy rằng, sự rình rập của bóng đen suy thoái kinh tế đang dần lộ diện, mang tính bao trùm và ảnh hưởng tới nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp. Trong khi các sản phẩm đồng được sử dụng rộng rãi từ lĩnh vực xây dựng, lưới điện, sản xuất các sản phẩm điện tử, phương tiện giao thông hay thiết bị gia dụng gần gũi nhất. Niềm tin tiêu dùng suy yếu và các hoạt động đầu tư chịu sức ép bởi chi phí vay tăng cao nhiều khả năng sẽ tiếp tục đặt ra thách thức cho thị trường đồng vào nửa cuối năm nay.
Các biến số xoay quanh thị trường đồng trong quý III năm 2022
Mặc dù các dữ liệu mới đây cho thấy, tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu tích cực trong việc phục hồi năng lực sản xuất sau những ảnh hưởng từ dịch bệnh. Điều này được thể hiện qua chỉ số PMI sản xuất tháng 6 đã vượt mốc 50, biểu thị cho sự mở rộng của các nhà máy sau 3 tháng liên tiếp thu hẹp trước đó.
Tuy nhiên, tâm lý thận trọng trong tiêu dùng và mở rộng sản xuất do ảnh hưởng từ các đợt phong toả trước đó, và lo ngại về những làn sóng dịch bệnh mới trong tương lai vẫn đang cản trở đà phục hồi mạnh mẽ đối với nhu cầu về đồng tại Trung Quốc. Nếu như so sánh với cùng kỳ các năm trước đó, tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải kể từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp hơn rất nhiều. Tính đến đầu tháng 7 năm nay, tồn kho đồng đạt mức hơn 14.600 tấn và chỉ bằng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ vẫn còn yếu và khó có thể phục hồi mạnh mẽ nhằm bù đắp cho giai đoạn nửa đầu năm chỉ trong quý III sắp tới.
Bên cạnh đó, trong quý này, thị trường đồng sẽ phải đối diện với sức ép từ hàng loạt đợt tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới. Tâm điểm sẽ là mức tăng lãi suất tiếp theo của Fed được quyết định vào cuối tháng 7 sắp tới. Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch, mức tăng 75 điểm cơ bản đang chiếm tới 85% niềm tin của các nhà đầu tư. Nếu như lạm phát vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể, rất có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất sau đó diễn ra vào tháng 9.
Ngoài ra, với mức lạm phát đạt kỷ lục trong tháng 5 tại khu vực Châu Âu, ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đặt ra kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9 tới đây. Những làn sóng thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ này có thể tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng. Sau cùng, thị trường đồng trong quý III năm 2022 nhiều khả năng vẫn sẽ chịu sức ép giảm giá và khó có thể phục hồi ở mức 9.000 USD/tấn.
Hồng Hạnh