Tin tức
Đà tăng của giá đồng chịu sức ép trước nguy cơ suy thoái, bất chấp sự hồi phục tại Trung Quốc
Thị trường đồng diễn biến giằng co trong phiên giao dịch sáng nay bởi sự cân nhắc giữa hai yếu tố, động lực từ sự phục hồi từng bước tại thị trường Trung Quốc, và đà kìm hãm từ nguy cơ suy thoái kinh tế trên thế giới.
Các hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc trong tháng 6 cho thấy sự mở rộng sau 3 tháng gánh chịu sức ép từ các chính sách chống dịch nghiêm ngặt. Điều này thể hiện qua chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đạt 50.2 điểm, cao hơn mức 49.6 vào tháng 4. Chỉ số đo lường thời gian giao hàng của các nhà cung cấp nhảy vọt lên 51.3, cao nhất trong hơn 6 năm, là dấu hiệu tích cực cho chuỗi cung cấp nguyên liệu thô tới các xưởng sản xuất và do đó, phản ánh nhu cầu tiêu thụ thành phẩm đang dần phục hồi. Yếu tố này sẽ hỗ trợ cho thị trường đồng, nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế chiếm 50% nhu cầu toàn cầu đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc mới bắt đầu có những điểm tích cực, trong khi nhu cầu tiêu thụ yếu và yếu tố dịch bệnh còn bỏ ngỏ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong tương lai. Thêm vào đó, áp lực từ bóng đen suy thoái toàn cầu đang có xu hướng lấn át điểm sáng về tình hình sản xuất tại Trung Quốc, sẽ là yếu tố cản trở đà tăng của giá đồng.
Mới đây, các dữ liệu tại Anh cho thấy thu nhập khả dụng của người tiêu dùng quốc gia này đã giảm 0.2% trong 3 tháng đầu năm khi được điều chỉnh theo lạm phát. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp và là chuỗi giảm chưa từng có kể từ khi được đo lường từ năm 1955. Giá nhà ở tăng chậm lại ở mức 0.3%, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 9/2021 sau khi Ngân hàng Trung ương Anh nâng lãi suất khiến lãi suất thế chấp tăng cao. Bên cạnh đó, dữ liệu hôm nay cũng cho thấy lạm phát tại Pháp tăng lên mức cao nhất kể từ khi sử dụng chung đồng tiền Euro với chỉ số CPI tăng 6.5% trong tháng 6, từ mức 5.8% hồi tháng 5. Nhiều khả năng các Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất nhằm kiểm soát giá cả và do đó kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trung Quốc là nền sản xuất lớn bậc nhất và là nhà cung cấp khổng lồ. Nguy cơ tăng trưởng chậm lại tại các quốc gia lớn cũng sẽ làm hạn chế nhu cầu toàn cầu và do đó, làm hạn chế đà phục hồi sản xuất tại quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, tiếp tục gây áp lực tới giá đồng trong thời gian tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)