Tin tức
Giá đồng có thể giảm trước dấu hiệu chậm lại trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 với xu hướng giảm sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất Trung Quốc bất ngờ thu hẹp sau ba tháng mở rộng. Kết hợp với lo ngại suy thoái kinh tế ở phương Tây khiến triển vọng tiêu thụ càng trở nên kém sắc, trong khi nguồn cung ổn định, nhiều khả năng giá đồng sẽ giảm trong phiên hôm nay.
Trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3 năm ngoái. Áp lực từ việc lãi suất tăng cao có thể tiếp tục đẩy nền kinh tế Mỹ vào nguy cơ suy thoái và gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đồng.
Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ đồng tiếp tục chịu sức ép khi lĩnh vực sản xuất, hoạt động chiếm 1/3 giá trị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất ngờ thu hẹp trong tháng 4. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất trong tháng 4 của Trung Quốc đã giảm xuống mức 49,2 từ mức 51,9 hồi tháng 3.
Ngoài ra, chỉ số đơn đặt hàng mới chỉ đạt 48,8, số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm xuống 47,6 từ 50,4 trong tháng 3, cho thấy nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Hơn nữa, các tin tức tích cực về nguồn cung có thể gây sức ép tới thị trường đồng trong bối cảnh nhu cầu không chắc chắn như hiện tại.
Ngân hàng JP Morgan cho rằng sản lượng khai thác đồng toàn cầu sẽ tăng 2,6% vào năm 2023, nhờ các dự án khai thác phục hồi tại Chile và Peru. Sự tăng trưởng trong sản lượng được thúc đẩy bởi hai dự án: Quebrada Blanca ở Chile và Quellaveco ở Peru, cùng một số dự án khác sắp đi vào hoạt động sau sự chậm trễ do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tập đoàn tài chính Macquarie cũng dự kiến nguồn cung khai thác đồng toàn cầu vào năm 2023 sẽ tăng 2,8% so với năm 2022, tương đương khoảng 600.000 tấn.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)