Tin tức
Giá đồng có thể giằng co giữa rủi ro về nhu cầu và kỳ vọng nguồn cung đồng tinh chế thắt chặt
Giá đồng mở cửa phiên với lực mua chiếm ưu thế do đồng Dollar Mỹ suy yếu tiếp tục hỗ trợ cho giá đồng, tuy nhiên, sức ép vẫn đang tiềm ẩn khi rủi ro về dịch bệnh trên thị trường Trung Quốc gây trở ngại cho bức tranh tiêu thụ. Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đã vượt qua mốc 30,000, cao nhất trong thời kỳ đại dịch. Các biện pháp kiểm soát vẫn đang được thực hiện, trong đó có các quận sản xuất và các thành phố lớn. Theo Oxford Economics, việc mở cửa trở lại lâu hơn dự kiến có thể làm giảm gần 1 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm tới. Dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2023 của đơn vị này đang ở mức 4.2%.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang xem xét tới việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các Ngân hàng thương mại nhằm tăng thanh khoản và kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng trong trường hợp các chính sách kiểm soát dịch vẫn còn được duy trì, các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế khó có thể đạt được tính hiệu quả.
Tuy nhiên, xét trong dài hạn hơn, trong trường hợp nền kinh tế Trung Quốc dần phục hồi, tốc độ tiêu thụ đồng có thể sẽ vượt quá tốc độ tăng của nguồn cung và hỗ trợ cho giá. Theo Tổ chức Nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG), thị trường đồng tinh chế thế giới đã thiếu hụt 10,000 tấn trong tháng 9, so với mức 13,000 tấn trong tháng 8. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường thâm hụt 295,000 tấn đồng tinh luyện, tăng cao hơn so với mức thâm hụt 233,000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các công ty khai thác, trong đó có Freeport-McMoRan đã đồng ý mức phí xử lý kim loại đồng ở mức 88 USD/tấn cho nguồn cung tinh quặng đồng đối với các nhà máy tinh chế. Đây là mức phí cao nhất trong vòng 6 năm và mức phí hấp dẫn có thể thúc đẩy tinh chế kim loại.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)