Tin tức
Giá đồng có thể tiếp tục đối diện với áp lực bán trước triển vọng kinh tế kém sắc tại các nước phát triển
Thị trường đồng tiếp tục đón nhận lực bán trong phiên sáng nay khi dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động sản xuất chậm lại tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Nhiều khả năng triển vọng kém sắc này sẽ tiếp tục khiến giá gặp sức ép trong phiên hôm nay.
Trong bối cảnh chi phí vay tăng cao, hoạt động các nhà máy tại Mỹ đang có dấu hiệu thu hẹp lại khi chỉ số PMI sản xuất sơ bộ tháng 10 về dưới ngưỡng 50 lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020. Trong khi đó, các hoạt động sản xuất tại khu vực Châu Âu đã thu hẹp tháng thứ 4 liên tiếp, đạt mức 46.6 trong tháng 10, thấp hơn cả dữ liệu tháng trước và dự báo của các chuyên gia kinh tế. PMI của Đức, Anh, Pháp trong tháng 10 đều ở dưới ngưỡng 50 và tiêu cực hơn dự kiến. Sự suy yếu trong hoạt động sản xuất tại các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới đang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế và sẽ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu về kim loại đồng, gây sức ép đến giá.
Trung Quốc, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là nhà tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới cũng sẽ khó tìm được động lực tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều sức ép. Hoạt động xuất khẩu, đóng góp khoảng 20% cho GDP của quốc gia này đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại đáng kể trong tháng 9. Trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Mỹ hay Châu Âu suy giảm, nó cũng sẽ là yếu tố cản trở hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Ngoài ra, chính sách Zero Covid và ngành bất động sản trì trệ tiếp tục là lực cản lớn. Giá nhà ở tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ 13 liên tiếp, phản ánh nhu cầu yếu, trong khi 22% nhu cầu đồng của Trung Quốc dành cho lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ hiện đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 15 năm, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) đặt tỷ giá trung bình ở mức 7.1668 Dollar Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2008. Điều này có thể sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu, nhưng cũng làm chi phí nhập khẩu đắt đỏ hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy yếu, tăng cường xuất khẩu đối với Trung Quốc vẫn sẽ là bài toán khó.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)