Tin tức
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (29/11), diễn biến giá hàng hoá nguyên liệu tương đối phân hoá. Trái với xu hướng giá đi xuống chiếm ưu thế của nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại, sắc xanh của các mặt hàng nhóm nông sản và năng lượng đã nâng 0,3% chỉ số MXV-Index lên 2.204 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức trên 4.100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm hàng năng lượng tăng đáng kể, hơn 64% trong khi nhóm kim loại lại giảm mạnh trên 28% so với hôm qua, chiếm khoảng 22% tổng giá trị giao dịch của toàn sở.
Giá dầu tiếp tục đi lên do lo ngại nguồn cung thắt chặt
Giá dầu duy trì kết thúc ngày giao dịch hôm qua (29/11) tiếp đà tăng nhờ kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, nguồn cung từ Nga và Kazakhstan vẫn đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của bão tại biển Đen, cũng góp phần thúc đẩy lực mua.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 1,9% lên 77,86 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 83,10 USD/thùng, tăng 1,7% so với phiên trước.
Hãng tin Reuters cho biết các cuộc đàm phán của OPEC+ về chính sách dầu mỏ năm 2024 sẽ tập trung vào việc cắt giảm nguồn cung dầu bổ sung để hỗ trợ thị trường. Theo hai nguồn tin của OPEC+, nhóm đang thảo luận về việc cắt giảm sản xuất sâu hơn trong quý I/2024, nhưng thời gian và khối lượng cụ thể vẫn chưa xác định. Theo tờ Wall Street Journal, mức cắt giảm mới có thể lên tới 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, việc nạp dầu từ cảng Novorossiysk ở biển Đen và kho cảng Caspian Pipeline Consortium (CPC) vẫn gián đoạn do ảnh hưởng của bão lớn, buộc các nhà xuất khẩu tìm kiếm tuyến đường thay thế. Cảng Novorossiysk và CPC nạp khoảng 2 triệu thùng/ngày từ Nga và Kazakhstan.
Vấn đề xảy ra bất ngờ khiến việc chuyển hướng dòng chảy dầu gặp khó khăn. Thậm chí, Nga có kế hoạch cắt giảm nguồn cung tại cảng Novorossiysk trong tháng 12, do việc bốc hàng bị trì hoãn làm chậm tiến độ xuất khẩu.
Làm tăng thêm mối lo nguồn cung thắt chặt, dữ liệu từ khu công nghiệp dầu Fujairah (FOIZ) cho thấy dự trữ sản phẩm dầu tại cảng Fujairah của UAE trong tuần kết thúc vào ngày 27/11 giảm 7,7% xuống 17,41 triệu thùng, mức thấp nhất trong 2 tuần.
Trái lại, tại Mỹ, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thương mại Mỹ tăng 1,6 triệu thùng trong tuần trước, trái với mức giảm 900.000 thùng theo số liệu từ Viện dầu khí API. Đáng chú ý, tổng sản phẩm được cung cấp, thước đo cho nhu cầu đã giảm mạnh 1,12 triệu thùng/ngày. Giá dầu đã đảo chiều giảm ngay sau dữ liệu, nhưng nhanh chóng lấy lại đà tăng do dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ.
Cụ thể, theo báo cáo sơ bộ lần hai của Cục Phân tích Kinh tế, tăng trưởng GDP quý III/2023 của Mỹ đã được điều chỉnh tăng lên 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 4,9% trong báo cáo trước. Điều này củng cố kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ cải thiện trong tương lai, góp phần thúc đẩy giá dầu.
Thị trường kim loại quý diễn biến trái chiều
Hôm qua, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa. Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, chốt phiên tại 25,44 USD/ounce nhờ tăng 0,56%. Trái lại, giá bạch kim giảm 0,93% so với mức tham chiếu, đóng cửa tại 941,4 USD/ounce.
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024 tiếp tục hỗ trợ cho giá bạc, kim loại được lãi suất bằng 0. Theo CME FedWatch, có khoảng 48% khả năng FED cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024, tăng từ khoảng 35% vào thứ Ba.
Tuy vậy, giá bạch kim ghi nhận mức giảm mạnh do mặt hàng này nhạy cảm hơn với biến động đồng USD, bởi mức đầu tư lớn hơn nhiều so với bạc. Chỉ số Dollar Index bật tăng lên 102,77 điểm sau 4 phiên giảm liên tiếp. Đồng USD mạnh lên sau khi Mỹ công bố số liệu kinh tế tích cực.
Cụ thể, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ đã điều chỉnh tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Mỹ lên 5,2%, từ mức 4,9% trong báo cáo sơ bộ lần 1. Con số này đánh dấu mức tăng trưởng GDP mạnh nhất kể từ quý IV/2021, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX để mất 0,36% về 3,82 USD/pound. Trong phiên sáng, thị trường đồng đón nhận lực mua tích cực do rủi ro nguồn cung bị đẩy lên cao.
Tổng thống Panama đã tuyên bố mỏ đồng Cobre Panama, chiếm khoảng 1,5% sản lượng đồng toàn cầu, sẽ phải ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, công nhân làm việc tại mỏ Las BamBas, một trong những mỏ đồng lớn nhất tại Peru, tiếp tục đình công cho đến thứ Năm (30/11). Các chuyên gia cho rằng sản lượng suy giảm từ Panama và Peru có thể đe dọa tới nguồn cung đồng toàn cầu vào năm 2024.
Tuy nhiên, tới phiên tối, giá đã xóa bỏ hoàn toàn mức tăng của phiên sáng và kết phiên trong sắc đỏ, do phải chịu sức ép bởi đồng USD mạnh lên.
Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt chấm dứt chuỗi giảm hai phiên liên tiếp. Kết phiên tăng 0,85% lên 129,9 USD/tấn sau khi giảm tới gần 3% vào phiên trước đó. Giá sắt vẫn đang phải chịu áp lực bởi có sự can thiệp từ Chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế đà tăng giá.
Tuy vậy, giá đã phục hồi trong phiên hôm qua sau khi một cuộc thăm dò của Reuters chỉ ra hoạt động sản xuất của Trung Quốc cải thiện nhẹ trong tháng 11. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc sẽ đạt 49,7 điểm, cao hơn 0,2 điểm so với tháng 10.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)