Tin tức
Giá hàng hoá tăng trở lại, đầu tư hàng hóa tăng trưởng mạnh
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới giao dịch sôi động trong tuần vừa qua (13/5 – 19/5). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng mạnh 1,85% lên 2.344 điểm. Trong số 31 mặt hàng đang giao dịch tại MXV, chỉ có 9 mặt hàng giảm giá, trong khi có đến 22 mặt hàng tăng giá. Đáng chú ý, giá trị giao dịch trung bình đạt gần 7.500 tỷ đồng/ngày, tăng 25% so với tuần trước đó.
Giá kim loại liên tục đạt đỉnh
Khép lại tuần giao dịch 13/5 – 19/5, nhờ lực đỡ từ cả yếu tố vĩ mô và cung – cầu, các mặt hàng kim loại thi nhau thiết lập các mức đỉnh mới. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim bật tăng mạnh sau loạt dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ củng cố cho kỳ vọng hạ lãi suất. Chốt tuần, giá bạc tăng 9,66% lên 31,25 USD/ounce, đánh dấu lần đầu tiên giá bạc vượt qua mốc 31 USD sau 11 năm. Giá bạch kim tăng 8,22%, dừng chân tại 1.090 USD/ounce, mức cao nhất trong một năm.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tháng 4 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt giảm từ mức 0,4% và 3,8% của tháng 3, cho thấy lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Ngoài ra dữ liệu cũng cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang chịu áp lực, trong khi sản lượng công nghiệp và sản xuất đều giảm mạnh trong tháng 4.
Loạt dữ liệu này phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ, đồng thời, càng củng cố cho kịch bản hạ lãi suất. Đồng USD vì thế cũng suy yếu trở lại, chỉ số Dollar Index giảm 0,81% về 104,45 điểm, mức thấp nhất hơn một tháng. Áp lực lãi suất suy giảm trong khi chi phí đầu tư trở nên rẻ hơn đã thúc đẩy nhà đầu tư phân bổ dòng tiền sang thị trường kim loại quý.
Bên cạnh đó, giá bạch kim còn được hưởng lợi bởi triển vọng nguồn cung tiêu cực. Theo Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC), thị trường bạch kim có nguy cơ thâm hụt 476.000 ounce trong năm nay, tăng so với dự báo trước là thâm hụt 418.000 ounce.
Đối với kim loại cơ bản, giá niken LME dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng tới 11,23% lên 21.080 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, do lo ngại nguồn cung gián đoạn. Theo Reuters, New Caledonia của Pháp, quốc gia chiếm 6% nguồn cung niken toàn cầu, đang phải đối mặt với tình trạng bạo loạn nghiêm trọng và khiến hoạt động sản xuất niken bị đình trệ.
Rủi ro nguồn cung thu hẹp cũng là yếu tố củng cố cho đà tăng của giá đồng. Chốt tuần, giá đồng COMEX chạm tới mức cao kỷ lục 5,05 USD/pound nhờ tăng 8,31%.
Ngoài ra, việc Trung Quốc công bố chính sách mới để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản cũng giúp củng cố triển vọng tiêu thụ đồng, kéo lực mua tăng mạnh. Vào thứ Sáu, Chính phủ nước này đã tuyên bố nới lỏng các quy định thế chấp và khuyến khích chính quyền địa phương mua những căn nhà chưa bán được. Đây là nỗ lực mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của nước này để cứu thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng.
Giá đường thấp nhất 1 năm, cà phê lấy lại đà hồi phục
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao lao dốc 17,35%, về mức thấp nhất trong 2 tháng. Những cơn mưa đầu mùa tại Tây Phi giúp giải tỏa áp lực về mặt tâm lý trên thị trường, đồng thời cải thiện phần nào điều kiện sản xuất ca cao, sau thời gian dài đối diện với tình trạng khô nóng.
Tuy vậy, thông tin cơ bản trên thị trường hiện vẫn phản ánh rõ lo ngại nguồn cung. Mặc dù đã có các cơn mưa, nhưng lượng mưa tại các vườn ca cao tại Bờ Biển Ngà vẫn ở mức thấp, chưa thể đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra thuận lợi. Nhiều nông dân lo ngại, tình trạng thiếu nước kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản lượng vụ giữa (từ tháng 4 đến hết tháng 9).
Tính từ đầu vụ 2023-2024 (tháng 10/2023) đến ngày 12/5/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,406 triệu tấn, giảm mạnh 29,3% so với cùng kỳ vụ trước.
Cùng chung xu hướng, giá đường về mức thấp nhất trong hơn 1 năm sau khi giảm thêm 6% trong tuần qua. Tín hiệu nguồn cung được cải thiện, đặc biệt từ Brazil là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá. Tập đoàn công nghiệp đường UNICA cho biết, trong nửa cuối tháng 4, sản lượng đường sản xuất khu vực Trung Nam của Brazil đạt 1,84 triệu tấn, tăng 84,25% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng đường vụ 2024-2025 của Thái Lan khoảng 10,24 triệu tấn, tăng 16,4% so với mức 8,8 triệu tấn trong vụ 2023-2024.
Ở chiều ngược lại, giá cà phê hồi phục 2,71% với Arabica và 2,27% với Robusta, bất chấp việc nguồn cung vẫn cho tín hiệu mở rộng. Trong tuần vừa qua, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US đã tăng thêm 48.512 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê đã qua chứng nhận hiện tại lên 760.383 bao, là mức cao nhất trong hơn 1 năm qua.
Ngoài ra, theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE ), trong tháng 4, giá cà phê tăng cao kết hợp cùng nguồn cung có sẵn đã thúc đẩy Brazil xuất đi 3,9 triệu tấn cà phê dạng hạt, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, nông dân Brazil đã tập trung thu hoạch cà phê vụ 2024-2025. Tiến độ cà phê Arabica đạt khoảng 10% và Robusta khoảng 30% tổng lượng sản xuất.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong cuối tuần trước (ngày 18/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng mạnh 1.500 – 2.000 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lấy lại khoảng giá 103.300 – 104.000 đồng/kg.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)