Tin tức
Giá kim loại quý có thể gặp sức ép trong ngắn hạn
Đóng cửa phiên giao dịch 13/7, giá cả hai mặt hàng kim loại quý đều giảm. Giá Bạc giảm 0.4% còn 26.14 USD/ounce, giá Bạch kim giảm 1.05% còn 1111.2 USD/ounce.
Giá của cả hai mặt hàng kim loại quý đều chịu áp lực khi đồng USD tăng mạnh. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.7, cao nhất trong vòng 3 tháng. Bất chấp thang đo lạm phát CPI tăng cao hơn so với dự đoán, giá trị đồng USD vẫn tăng, khi mà các nhà đầu tư đều tin rằng FED sẽ sớm tăng lãi suất để giữ gìn vị thế của đồng bạc xanh.
CME dự báo, tới tháng 12/2022, sẽ có 70% khả năng FED tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc FED sẽ tăng sớm hơn thời gian được ước tính trong cuộc họp ngày 16/6 vừa qua là năm 2023. Xác xuất này có thể tăng lên nếu chỉ số giá sản xuất PPI được công bố trong hôm nay cũng tăng so với dự báo.
Giới đầu tư cũng hướng sự chú ý về phiên điều trần của Chủ tịch FED Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ vào tối nay, để có thể nắm bắt lập trường của cơ quan này về chính sách tiền tệ trong thời gian sắp tới. Nhiều khả năng, FED vẫn giữ lập trường ôn hòa để không khiến các thị trường đầu tư biến động, tuy nhiên, nếu chủ tịch FED có động thái trấn an Quốc hội về việc kiểm soát lạm phát, giá của Bạc và Bạch kim sẽ gặp rất nhiều sức ép trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, giá Bạc vẫn tích lũy trong biên độ 25.7 – 26.5 USD/ounce. Trong phiên hôm nay, giá được dự báo sẽ tiếp tục dao động trong vùng này nếu các tin tức không gây ảnh hưởng quá tiêu cực đối với thị trường kim loại quý.
Ở thị trường Bạch kim, giá giảm ngay khi chạm cạnh trên của Bollinger Band và bật lên khi gặp cạnh giữa. Rất có thể giá sẽ test lại mức cản 1120 USD/ounce và mức 1130 USD/ounce (cạnh trên Bollinger Band) nếu không có tín hiệu thắt chặt nào được công bố hôm nay.
Tiên Phạm