Tin tức
Giá kim loại quý vẫn còn dư địa tăng nhờ áp lực vĩ mô suy yếu
Giá bạc và giá bạch kim nhận được lực mua tích cực trong phiên sáng do đồng USD suy yếu làm tăng sức mua so với các đồng tiền thương mại khác.
Dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến tiếp tục củng cố kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết số cơ hội việc làm mới (JOLTS) của Mỹ trong tháng 10 đạt 8,73 triệu, thấp hơn nhiều so với dự báo 9,3 triệu và mức 9,35 triệu trong tháng 9.
Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch Tool cho thấy phần lớn thị trường đều kỳ vọng FED sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25% - 5,50% trong cuộc họp tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Đáng chú ý, xác suất thị trường đặt cược vào khả năng FED cắt giảm lãi suất từ tháng 3/2024 đã đạt gần 60%.
Giám đốc điều hành PNC Financial Services Group cho rằng FED đã hoàn tất việc tăng lãi suất và PNC nhận thấy nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm 2024. Trước đó, nhà quản lý danh mục đầu tư Paul Gambles tại MBMG Group cho biết FED cần cắt giảm lãi suất ít nhất 5 lần trong năm tới để tránh khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Nhìn chung, kỳ vọng vào chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn từ FED có thể vẫn sẽ là yếu tố gây áp lực lên đồng USD và gián tiếp hỗ trợ giá bạc và bạch kim.
Trên thị trường đồng, sau phiên giảm mạnh trước đó, giá đồng phục hồi nhẹ trong phiên sáng chủ yếu nhờ lực mua kĩ thuật tại vùng hỗ trợ 3,78 USD. Hơn nữa, đồng USD suy yếu cũng là yếu tố giúp giá tăng trở lại.
Tuy vậy, dự báo giá khó có thể duy trì đà tăng trong cả phiên hôm nay do tâm lý thị trường vẫn bi quan về triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc. Sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ xếp hạng tín dụng Trung Quốc xuống mức “tiêu cực” từ mức ổn định, các nhà đầu tư càng tỏ ra lo ngại về đà tăng trưởng của nước này. Do đó, cho đến khi thị trường nhìn thấy những dấu hiệu phục hồi kinh tế bền vững ở Trung Quốc, giá đồng khó tăng cao hơn trong trung hạn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)