Tin tức
Giá kim loại vẫn còn dư địa tăng nhờ áp lực vĩ mô suy yếu
Sau tuần giao dịch tích cực nhờ áp lực vĩ mô giảm bớt, giá bạc và giá bạch kim dự kiến sẽ biến động mạnh trong tuần này khi quan chức của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn sẽ có bài phát biểu.
Trong bối cảnh lạm phát có xu hướng hạ nhiệt và nền kinh tế giảm tốc, các NHTW lớn trên thế giới đều quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong cuộc họp mới nhất. Qua đó thúc đẩy kỳ vọng chu kỳ lãi suất cao trên toàn cầu sắp kết thúc. Hiện các nhà đầu tư cho rằng có xác suất hơn 90% Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong tháng 12 và có 86% khả năng FED sẽ tiến hành đợt nới lỏng chính sách đầu tiên ngay sau tháng 6/2024. Ngoài ra, có khoảng 80% khả năng NHTW châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 4, trong khi NHTW Anh được cho là sẽ giảm lãi suất vào tháng 8.
Theo đó, các phát biểu của quan chức NHTW trong tuần này sẽ cung cấp thêm manh mối về lộ trình lãi suất sắp tới. Nếu quan điểm “ôn hòa” vẫn được giữ vững, giá kim loại quý vẫn còn dư địa tăng trong tuần này.
Ngoài ra, với thị trường đồng, ngoài chịu tác động bởi yếu tố vĩ mô, loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc cũng ảnh hưởng mạnh tới giá đồng. Số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được công bố vào 7/11, trong khi báo cáo lạm phát công bố vào 9/11.
Theo Bloomberg, Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 10, với chỉ số giá tiêu dùng dự kiến giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất cũng được dự đoán giảm 2,8%, giảm tháng thứ 13 liên tiếp, cho thấy đà phục hồi mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dữ liệu được công bố vào tuần trước cũng cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ của nước này đều suy yếu trong tháng 10.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)