Tin tức
Giá năng lượng và kim loại đồng loạt đi xuống kéo chỉ số MXV-Index giảm
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt ngày giao dịch 22/11, sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu. 24 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt suy yếu, kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,81% xuống 2.201 điểm, kết thúc chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp trước đó.
Mặc dù vây, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn gia tăng mạnh mẽ trong ngày hôm qua. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.400 tỷ đồng, tăng vọt gần 40%, lên mức cao nhất trong gần 3 tuần trở lại đây.
OPEC+ hoãn họp, giá dầu hạ gần 1%
Một tuần trở lại đây, tâm điểm chú ý của thị trường hướng đến cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) dự kiến vào cuối tuần này, nhưng OPEC+ đã bất ngờ thông báo hoãn cuộc họp chính sách. Điều này làm cho thị trường giảm kỳ vọng về việc nhóm sẽ can thiệp để thắt chặt nguồn cung khiến giá dầu biến động mạnh và chốt phiên giảm gần 1%.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,86% xuống 77,10 USD/thùng sau khi giảm hơn 5% xuống mức thấp nhất trong phiên là 73,79 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 81,96 USD/thùng, giảm 0,59% so với phiên trước, sau khi giảm hơn 4% xuống mức thấp nhất trong phiên là 78,41 USD/thùng.
Theo thông báo chính thức của OPEC+, cuộc họp lần thứ 51 của Ủy ban giám sát chung Bộ trưởng (JMMC) và cuộc họp Bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC lần thứ 36 (ONOMM), dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 và 26/11 nay được chuyển sang ngày 30/11. Thông tin bất ngờ khiến giá dầu ngay lập tức lao dốc trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư đều đang kỳ vọng rằng OPEC+, đặc biệt là thủ lĩnh nhóm Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ yếu tại Mỹ cũng làm gia tăng áp lực bán trên thị trường. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 17/11 tăng 8,7 triệu thùng lên mức 447,05 triệu thùng, tương đương với mức tăng 9,1 triệu thùng trong báo cáo sáng qua của Viện Dầu khí Mỹ (API) và tăng mạnh hơn so với dự báo tăng 1,2 triệu thùng. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất diễn biến trái chiều, nhưng đều gây thất vọng so với công bố của API.
Đồng USD phục hồi kéo giá kim loại quý đi xuống
Các yếu tố vĩ mô cũng tác động mạnh mẽ đến diễn biến giá các mặt hàng kim loại. Trong đó, đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn hai tháng đã gây áp lực lên giá các mặt hàng kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 0,76% xuống 23,68 USD/ounce. Giá bạch kim để mất 1,61%, dừng chân ở mức 930,7 USD/ounce, đứt chuỗi tăng hai phiên liên tiếp.
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hoàn tất việc tăng lãi suất đã hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim liên tục tăng kể từ tuần trước. Tuy vậy, trong phiên hôm qua, dòng tiền đã rút bớt khỏi thị trường kim loại quý sau khi Mỹ công bố số người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/11 đạt 209.000, thấp hơn 16.000 đơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Con số này cũng thấp hơn so với mức 233.000 bị điều chỉnh tăng trong tuần kết thúc ngày 11/11.
Dữ liệu này cho thấy thị trường lao động Mỹ đang phục hồi sau hơn một tháng gặp áp lực. Đồng USD đã bật tăng ngay sau khi số liệu được công bố. Chỉ số Dollar Index tăng 0,34% lên 103,92 điểm. Theo đó, đồng bạc xanh mạnh lên đã gây áp lực lên giá bạc và giá bạch kim, do chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX suy yếu hai phiên liên tiếp, chốt phiên giảm 1,3% về 3,76 USD/pound. Đà tăng của giá đồng cũng bị cản lại do sự phục hồi của đồng USD. Hơn nữa, việc nhà đầu tư tăng cường chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ cũng khiến giá gặp sức ép.
Trái lại, giá quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, tăng 1,05% lên 134,67 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2023, Giá quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do đó, việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản tiếp tục hỗ trợ cho giá quặng sắt tăng tốt.
Trên thị trường nội địa, sau hơn 2 tháng đi ngang, vào ngày 21/11, một số doanh nghiệp thép trong nước đã thông báo điều chỉnh tăng giá đối với cả sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc tăng lên 13,58 triệu đồng/tấn, tăng từ mức giá 13,43 triệu đồng/tấn. Trong khi giá thép thanh vằn D10 CB300 tăng từ 13,74 triệu đồng/tấn lên 13,89 triệu đồng/tấn.
Như vậy, sau 19 lần điều chỉnh giảm, giá thép trong nước đã phục hồi trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêu thụ đang trong giai đoạn ấm dần khi thị trường bất động sản dần phục hồi và sự gia tăng đầu tư công trong những tháng cuối năm. Hơn nữa, việc giá điện bị điều chỉnh tăng làm gia tăng chi phí sản xuất cũng thúc đẩy các doanh nghiệp nâng giá bán thép.
Bên cạnh đó, giá thép nội địa thường biến động đồng pha với giá thép của Trung Quốc. Do vậy, trong bối cảnh giá thép và giá nguyên liệu thô sản xuất thép tại Trung Quốc liên tục tăng cao trong giai đoạn gần đây, giá thép nước ta vẫn còn dư địa tăng trong thời gian tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)