Tin tức
Hội thảo khoa học: Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về Sở Giao dịch Hàng hóa ở Việt Nam

Vào sáng ngày 25/06/2025, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Khoa học cấp trường với chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về Sở Giao dịch Hàng hoá ở Việt Nam”. Chương trình nhận được sự quan tâm lớn từ giới chuyên môn, thu hút sự hiện diện của nhiều nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, đại diện các cơ quan, tổ chức, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên của nhà trường.
Tham dự hội thảo, có sự hiện diện của nhiều chuyên gia dày dặn kinh nghiệm như GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, Nguyên Trợ lý Chủ tịch nước, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; ThS. Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam cùng với đại diện của các cơ sở đào tạo luật học như Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng, Học viện Phụ nữ...
Ths. Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Hội thảo tập trung thảo luận một số tham luận chuyên sâu, xoay quanh các vấn đề pháp lý đang được đặt ra trong hoạt động giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch, bao gồm: (i) Pháp luật về các chủ thể tham gia giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hoá: Thực trạng và kiến nghị; (ii) Vai trò của các ngân hàng và tổ chức tài chính trong hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hoá: Thực trạng và kiến nghị pháp lý; (iii) Pháp luật về hoạt động thanh toán giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên Sở Giao dịch Hàng hoá - Kinh nghiệm một số nước và bài học cho Việt Nam; (iv) Ảnh hưởng của pháp luật thuế Việt Nam đối với hoạt động giao dịch hàng hoá qua Sở giao dịch: Phân tích, so sánh với Mỹ, Singapore và Trung Quốc....
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa còn nhiều biến động, thiếu cơ chế định giá minh bạch, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) là đơn vị đầu tiên được cấp phép hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam – đã từng bước xây dựng nền tảng thị trường ổn định. Với việc tổ chức giao dịch cho 46 mặt hàng và liên thông với 13 Sở Giao dịch Hàng hóa lớn trên thế giới như CME, ICE, SGX…, MXV đã góp phần minh bạch hóa thông tin, điều tiết cung cầu và tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế nhấn mạnh: “Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập sâu rộng, thị trường hàng hoá đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu, điều tiết sản xuất và định hướng đầu tư. Một thành tố không thể thiếu trong cấu trúc vận hành thị trường hàng hoá hiện đại chính là Sở Giao dịch Hàng hoá – chủ thể tổ chức thị trường, nơi tạo lập tính minh bạch, cạnh tranh công bằng và hiệu quả trong giao dịch. Việc tổ chức, vận hành và kiểm soát sở giao dịch hàng hoá, do đó, không chỉ là một yêu cầu thực tiễn, mà còn là một đòi hỏi cấp thiết cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
Giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch cũng được xem là một kênh đầu tư tài chính hiện đại, góp phần phát triển thị trường, thúc đẩy cạnh tranh minh bạch, giảm thiểu sự phụ thuộc vào trung gian, ngăn chặn tình trạng thao túng giá cả. Qua đó, hiện thực hóa các định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân – coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong tăng trưởng, đổi mới sáng tạo. Trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường giao dịch hàng hóa, MXV vẫn không ngừng đóng góp ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý bao gồm một số nội dung quan trọng như: Vị trí pháp lý của Sở Giao dịch Hàng hoá, cơ chế vận hành, giám sát, xử lý vi phạm, phân định rủi ro và bảo vệ các chủ thể tham gia,...
Chính vì vậy, việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về Sở Giao dịch Hàng hóa là yêu cầu tất yếu. Đây là cơ sở nền tảng để phát triển một thị trường giao dịch hàng hóa minh bạch, ổn định và bền vững tại Việt Nam.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh phát biểu tại hội thảo
Kết luận hội thảo, GS.TS. Lê Hồng Hạnh và PGS.TS. Nguyễn Thị Nga đánh giá cao sự trao đổi sôi nổi, chuyên sâu của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh hội thảo không chỉ góp phần nâng cao nhận thức mà còn là bước đi quan trọng để đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về Sở Giao dịch Hàng hoá ở Việt Nam phù hợp với yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hà Anh