sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Khi nào thị trường kim loại lấy lại sức hút?

08/04/2022

Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng giá 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam khi kết thúc phiên hôm qua. Chỉ số MXV-Index tiếp tục giảm 0,22% về mức 2.897,45 điểm, xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy từ đầu tuần.

Thị trường thiếu đi một xu hướng rõ ràng khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn. Giá trị giao dịch toàn Sở giảm hơn 10% trong phiên hôm qua về mức 4.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, điểm sáng duy nhất là việc giá trị của nhóm kim loại lại gia tăng.

Cả ba mặt hàng kim loại quý lấy lại sắc xanh với giá vàng tăng 0,4% lên 1.932,2 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng 0,5% lên 958 USD/ounce. Bạc là kim loại quý tăng mạnh nhất với mức đóng cửa cao hơn 1,1% lên 24,7 USD/ounce.

Các nhà đầu tư đang vẫn tin tưởng vào vai trò trú ẩn của cả vàng, bạc và bạch kim trong bối cảnh rủi ro đến từ những căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng với áp lực lạm phát vẫn còn. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát ra tín hiệu sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, nhưng trong ngắn hạn, các biện pháp này chưa thể có tác dụng ngay lập tức.

Vì thế, bất chấp việc đồng USD mạnh lên, sức mua trên thị trường kim loại quý vẫn áp đảo. Dollar Index, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD với một nhóm các đồng tiền của các nền kinh tế lớn khác (Bảng Anh, Yên Nhật,…), đã tăng 6 phiên liên tiếp lên 99,75 điểm, đạt mức cao nhất trong gần 3 năm. Cùng vì điều này, mà giới phân tích vẫn chưa tin tưởng rằng, đà tăng của nhóm kim loại quý có thể kéo dài lâu.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, hầu hết các mặt hàng đều đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đồng giảm 0,8% về dưới 4,7 USD/pound, giá quặng sắt đóng cửa thấp hơn 3% và mất mốc 160 USD/tấn. Giá của cả hai mặt hàng đều đang có xu hướng tích luỹ đi ngang, với biên độ 4,65 – 4,8 USD cho thị trường đồng và 140 - 160 USD cho thị trường quặng sắt.

Các nhà đầu tư hiện không có nhiều động lực mua, bởi triển vọng tiêu thụ của đồng và quặng sắt đều tiêu cực do nhà tiêu thụ số một thế giới, Trung Quốc, đang hạn chế các hoạt động sản xuất và đi lại để chống dịch. Các ngành kinh tế mũi nhọn và tiêu thụ nhiều kim loại như xây dựng hay sản xuất công nghiệp đều bị đình trệ vì các nhà máy phải cắt giảm công suất, đồng thời, đối mặt với những khó khăn trong công tác hậu cần nội địa lẫn quốc tế.

Mặt khác, một phần đông đảo các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào khả năng kiểm soát dịch sớm của Bắc Kinh. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các mặt hàng kim loại cơ bản sẽ tăng rất mạnh để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Có thể thấy, các tin tức cơ bản đang khá cân bằng nhau, nên cả thị trường đồng và quặng sắt đều cần những chất xúc tác mạnh hơn để giá có được sự bứt phá.

Trên thị trường nội địa, do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào nên giá thép vẫn đi ngang trong gần một tháng nay, dao động quanh mức 18 – 19 triệu đồng/tấn thép xây dựng. Các đơn hàng xuất khẩu thép trong tháng ba tăng trưởng tích cực. Theo MXV, khi Trung Quốc hồi phục sau đợt dịch Covid-19 hiện nay, dự báo nhu cầu sắt thép sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)