sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Kim loại quý: đà phục hồi đầy thách thức trước loạt sức ép

22/02/2023

Xu hướng phục hồi của giá các mặt hàng kim loại quý đã bắt đầu chững lại kể từ đầu năm nay, và hiện đang trên đà giảm bởi các sức ép vĩ mô quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, tốc độ suy yếu đang có những sự khác biệt nhất định khi giá bạch kim ghi nhận đà giảm mạnh hơn so với giá bạc. Nguyên nhân chủ yếu do sự phụ thuộc vào tình hình sản xuất công nghiệp.

Chung sức ép về lãi suất, giá kim loại quý đồng loạt suy yếu

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kể từ đầu năm đến nay, giá bạc đã đánh mất khoảng 12% giá trị và trở về mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, bạch kim ghi nhận đà lao dốc mạnh mẽ hơn khi giảm gần 18% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 1 năm nay. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/02, giá bạc đạt mức 21,89 USD/ounce, giá bạch kim hiện đang được giao dịch thấp hơn 950 USD/ounce.

Kim loại quý vốn đóng vai trò là hàng rào chống lại lạm phát cũng như những bất ổn về kinh tế chính trị. Tuy nhiên, dưới áp lực từ môi trường lãi suất tăng cao, đồng Dollar Mỹ mạnh lên, giá các mặt hàng này sẽ gặp áp lực do chi phí để nắm giữ trở nên đắt đỏ hơn.

Niềm tin cho rằng lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt nhanh chóng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp phạm vi tăng lãi suất đã bị dập tắt kể từ khi dữ liệu việc làm tại quốc gia này tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 1. Các dữ liệu lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn kỳ vọng của thị trường, làm gia tăng mối lo ngại mức đỉnh lãi suất có thể lên tới ngưỡng 5,0% - 5,5% trong năm nay. Đây đều là các yếu tố gây sức ép lớn tới giá bạc và bạch kim trong giai đoạn này. Tuy nhiên, mức độ tác động có phần khác biệt đáng kể khi xu hướng giá bạch kim hiện đang cho thấy đà lao dốc mạnh hơn so với giá bạc.

Vai trò công nghiệp khác biệt ảnh hưởng tới đà giảm

Yếu tố cốt lõi dẫn đến mức độ suy yếu khác nhau giữa bạc và bạch kim là sự khác biệt về vai trò trong các hoạt động sản xuất. Theo Viện bạc quốc tế, nhu cầu về bạc trong các hoạt động đầu tư chiếm tới 24%, và hoạt động công nghiệp chiếm khoảng 50%. Trong khi đó, khoảng 65% nhu cầu bạch kim được sử dụng trong sản xuất công nghiệp, với phần lớn nhu cầu, khoảng 40% dành cho lĩnh vực chế tạo ô tô. Chính vì vậy, đà giảm của giá bạch kim có xu hướng mạnh hơn bạc đang là lăng kính phản chiếu những áp lực nhất định trong hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế lớn.

Đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, nhu cầu bạch kim đang có xu hướng suy yếu trong ngắn hạn khi bức tranh tiêu thụ tại nhiều nền kinh tế còn đối diện với nhiều thách thức. Tại Mỹ, áp lực chi phí vay tăng cao hạn chế năng lực tiêu dùng và sản xuất, trong khi niềm tin tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn khó có thể phục hồi mạnh mẽ sau những tổn thất hậu giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua.

Doanh số bán xe, một chỉ báo quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tại hai quốc gia lớn này vẫn đang trên đà giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó đã hạn chế nhu cầu kim loại quý trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp then chốt này, đặc biệt là mặt hàng bạch kim.

Theo MXV, trong giai đoạn tới, xu hướng giảm của giá kim loại quý vẫn còn kéo dài hay dần lấy lại đà phục hồi, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc nhu cầu cho hoạt động sản xuất liệu có đủ sức áp chế các tác động vĩ mô hay không.

Đà phục hồi của giá bạch kim có thể mạnh hơn giá bạc

Đồng USD và bài toán lãi suất vẫn sẽ là mối lo ngại lớn cho đà phục hồi của giá bạc và bạch kim. Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, hiện đang có khoảng 25,5% ý kiến cho rằng Fed sẽ quay trở lại với mức tăng 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 3 sau 2 lần tăng 25 điểm cơ bản. Con số này cao hơn tới gần 3 lần so với chỉ khoảng 9% ý kiến vào cuối tuần trước. Điều đó vẫn sẽ tạo ra rủi ro về đà phục hồi của đồng Dollar Mỹ và từ đó, gây áp lực tới giá kim loại quý vốn nhạy cảm với biến động về tiền tệ.

Mặc dù áp lực tại các nước phương Tây sẽ còn hiện hữu, song kỳ vọng tăng trưởng bùng nổ hơn tại các quốc gia tiêu thụ bạc và bạch kim hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện, sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá.

Đã có khoảng 27% doanh số bán xe mới ở Trung Quốc vào năm ngoái là xe điện, và doanh số bán hàng đến từ người mua Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 thị phần trên toàn cầu. Nỗ lực xanh hóa của quốc gia này đòi hỏi nguồn lực lớn về kim loại tiêu biểu như đồng hay bạch kim. Sau khi mở cửa trở lại từ cuối năm ngoái, hoạt động sản xuất tại quốc gia này đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng 1 khi chỉ số quản trị mua hàng PMI về ngưỡng trên 50. Theo MXV, với vai trò công nghiệp mạnh hơn vai trò trên thị trường đầu tư, giá bạch kim mặc dù đang lao dốc mạnh hơn bạc, nhưng nhiều khả năng sẽ phục hồi nhanh hơn trong năm 2023.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)