Tin tức
Kinh tế Mỹ có dấu hiệu giảm tốc, sắc đỏ bao trùm lên thị trường hàng hóa thế giới

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết lực bán chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong bối cảnh Mỹ công bố loạt dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm hơn 0,7% về mức 2.196 điểm - nối dài đà suy yếu sang phiên thứ hai. Đáng chú ý, giá 4 trên 5 mặt hàng năng lượng chìm trong sắc đỏ, trong đó hai mặt hàng dầu thô lao dốc tới gần 3%. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng cũng bao trùm lên thị trường kim loại.
Giá dầu thô rơi xuống mức thấp nhất trong hai tuần
Theo ghi nhận MXV, giá dầu thế giới bất ngờ lao dốc gần 3%, rơi xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần trở lại đây, khi tâm lý thị trường chịu áp lực trước những lo ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ dư thừa nguồn cung toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent dừng lại ở mốc 63,98 USD/thùng, tương ứng giảm tới 2,85%. Đồng thời, giá dầu WTI cũng đánh mất 2,63%, xuống mức 60,42 USD/thùng. Cả hai mặt hàng đều đang ở mốc giá thấp nhất kể từ ngày 10/3.
Hiện thị trường dầu mỏ vẫn chịu tác động rõ rệt từ những đồn đoán xoay quanh khả năng OPEC+ sẽ mạnh tay tăng sản lượng trong tháng 6 tới. Quyết định cuối cùng về vấn đề này dự kiến sẽ được đưa ra sau cuộc họp giữa tám quốc gia thành viên vào ngày 5/5. Trong bối cảnh hiện tại, việc một số nước thành viên vẫn liên tục sản xuất vượt hạn ngạch do OPEC+ đặt ra càng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung trên thị trường.
Dù OPEC+ đã nhận được kế hoạch cắt giảm phần sản lượng dư thừa từ 7 nước thành viên, trong đó nổi bật là Iraq và Kazakhstan, nhưng thực tế cho thấy tình trạng vượt hạn ngạch vẫn còn tiếp diễn. Theo ước tính của hãng tin Reuters, xuất khẩu dầu của Kazakhstan trong quý I/2025 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nguồn cung qua đường ống Caspian được đẩy mạnh.
Theo phân tích của ông Ole Hansen, chuyên gia từ Saxo Bank, một đợt tăng sản lượng nữa từ OPEC+ sẽ diễn ra vào thời điểm cực kỳ bất lợi khi tâm lý thị trường vốn đã mong manh, đặc biệt trong bối cảnh Kazakhstan không mấy mặn mà với việc cắt giảm sản lượng. Quan điểm này được củng cố khi Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan, ông Erlan Akkenzhenov, khẳng định ngày 23/4 rằng nước này sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia khi điều chỉnh sản lượng dầu, thay vì tuân thủ chặt chẽ các cam kết cắt giảm của OPEC+.
Bên cạnh đó, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cũng vừa công bố ước tính dự trữ dầu thô tại Mỹ trong ngày 29/4. Theo báo cáo, kết thúc tuần giao dịch ngày 25/4, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng mạnh 3,76 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức tăng khoảng 400.000 thùng được đưa ra trong nhiều dự đoán và đối nghịch với mức giảm khoảng 4,57 triệu thùng trong tuần trước đó. Ngày hôm nay, thị trường tiếp tục chờ đợi số liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về dự trữ dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác.
Mặt khác, ngoài những thông tin về nguy cơ nguồn cung toàn cầu tăng mạnh, các yếu tố liên quan đến nhu cầu tiêu thụ dầu cũng góp phần gây áp lực lên giá. Cụ thể, loạt số liệu kinh tế vĩ mô vừa được công bố trong ngày 29/4 cho thấy nhiều tín hiệu tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt thương mại của nước này đã lên tới 162 tỷ USD, chỉ số cơ hội việc làm JOLTS giảm xuống 7,19 triệu, trong khi chỉ số niềm tin tiêu dùng CB rơi về mức 86 điểm – đều là những con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Những thông tin này càng làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ, qua đó tác động tiêu cực tới triển vọng tiêu thụ dầu trên thị trường toàn cầu.
Hiện các nhà đầu tư đang chuẩn bị tâm lý cho một tuần bận rộn với hàng loạt dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố bao gồm chỉ số lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - chỉ số giá PCE, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp và tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I. Theo MXV, sau khi các thông tin này công bố, giá hàng hóa nói chung và giá năng lượng nói riêng sẽ tiếp tục biến động mạnh.
Thị trường kim loại biến động
Khép lại phiên giao dịch hôm qua, sắc xanh đỏ đan xen trên thị trường kim loại trước khi một loạt chỉ số kinh tế quan trọng từ Mỹ và Trung Quốc được công bố. Kết thúc phiên giao dịch, giá bạc đảo chiều tăng 0,77% lên mức 33,58 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,97% xuống còn 985,5 USD/ounce.
Giới chức Mỹ mới cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm bớt tác động từ các mức thuế nhập khẩu ô tô, sau khi nhiều hãng xe lớn lên tiếng phản đối chính sách hiện hành. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ được hưởng tín dụng thuế lên tới 15% giá trị xe lắp ráp tại Mỹ. Khoản tín dụng này có thể được khấu trừ vào giá trị linh kiện nhập khẩu, giúp các hãng có thêm thời gian tái cơ cấu chuỗi cung ứng và thúc đẩy sản xuất nội địa. Động thái mềm dẻo hơn từ phía Washington đã phần nào xoa dịu tâm lý lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ. Bạc với vai trò kép, vừa làm kim loại quý, vừa làm nguyên liệu công nghiệp được hưởng lợi khi hoạt động sản xuất được củng cố. Nguyên nhân này đã hỗ trợ cho giá bạc trong phiên hôm qua.
Tuy nhiên, trước thời điểm Mỹ công bố số liệu GDP quý I, các tổ chức tài chính lớn đều tỏ ra không mấy lạc quan khi đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo GDP Mỹ sẽ giảm 0,8% theo năm, còn JPMorgan thậm chí đưa ra mức giảm sâu hơn, tới 1,75%. Trước đó, GDP Mỹ quý IV/2024 vẫn tăng trưởng 2,4%. Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng sụt mạnh 7,9 điểm xuống còn 86,0 – mức thấp nhất trong 5 năm. Điều này khiến thị trường dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ và các ngành sản xuất công nghiệp, qua đó góp phần cản đà tăng của giá bạc.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục giảm 0,35%, lùi về mức 10.742 USD/tấn. Trong khi đó giá quặng sắt biến động nhẹ, tiếp tục giao dịch quanh mức 97,45 USD/tấn.
Theo nguồn thông tin nước ngoài, hoạt động sản xuất của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ suy yếu trong tháng 4, kéo theo triển vọng tiêu thụ các kim loại công nghiệp như đồng và quặng sắt trở nên kém tích cực. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất được dự báo giảm từ 50,2 điểm xuống còn 49,8 điểm trong tháng 4. Ngoài ra, các chính sách thuế quan mới của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc tiếp tục tạo áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong khi đó, giá quặng sắt vẫn chịu áp lực khi nhiều quốc gia đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ ngành thép nội địa, làm gia tăng nguy cơ dư thừa nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Đáng chú ý, mặc dù biện pháp tự vệ hiện tại của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến hết hiệu lực vào tháng 6/2026, nhưng Ủy ban châu Âu đang xem xét triển khai một cơ chế phòng vệ thương mại mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn dòng chảy nhập khẩu. Các chuyên gia cảnh báo, với việc điều chỉnh phương pháp tính biên độ phá giá, EU có thể áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao hơn và đặc biệt, có thể tiến hành điều tra mà không cần chờ đến khi thiệt hại thực tế xảy ra.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Tin tức
Tin nổi bật
Tin tức liên quan

25/04/2025
