sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Lực bán áp đảo, giá kim loại và cà phê đồng loạt giảm

08/07/2025

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ tiếp tục bao phủ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần (7/7). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp khi đánh mất hơn 0,7% về mức 2.206 điểm. Trên thị trường kim loại, toàn bộ 10 mặt hàng trong nhóm đồng loạt suy yếu. Trong khi đó, giá cà phê cũng ghi nhận mức sụt giảm tới hơn 4% trước áp lực từ các quỹ đầu tư.

Giá bạc suy yếu 

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, nhóm kim loại ghi nhận lực bán áp đảo trên toàn bộ 10 mặt hàng. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc đã giảm hơn 0,6%, xuống còn 36,9 USD/ounce. Theo MXV, sức ép lên giá bạc chủ yếu xuất phát từ việc đồng USD tăng giá, cùng với tâm lý lo ngại về triển vọng tiêu thụ trên thị trường quốc tế. 

Trong phiên hôm qua, chỉ số Dollar Index tăng 0,31% lên 97,48 điểm. Việc đồng USD mạnh lên đã khiến các loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, như bạc trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư sử dụng các đồng tiền khác, kéo giá bạc giảm.

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch, nhu cầu trú ẩn trên thị trường bạc đã giảm sút sau khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo lùi thời hạn áp thuế đối ứng sang ngày 1/8. Tuy nhiên, tâm lý thị trường nhanh chóng chuyển sang trạng thái bất ổn khi về cuối ngày, Tổng thống Trump tiếp tục tuyên bố áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Không dừng lại ở đó, ông còn cảnh báo sẽ áp dụng thêm các biện pháp thuế bổ sung nếu hai quốc gia này đáp trả bằng việc tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ.

Động thái cứng rắn của Mỹ đặc biệt gây chú ý bởi Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là những đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ trong ngành công nghiệp ô tô. Việc áp thuế mạnh tay đã làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đối với nhu cầu bạc trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cho ô tô. 

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, tính riêng trong năm 2024, nước này xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 148 tỷ USD sang Mỹ. Con số này chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này, biến Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Trong đó, ô tô và linh kiện ô tô chiếm gần 34% tổng giá trị xuất khẩu.

Cùng với đó, Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ đạt 127,8 tỷ USD trong năm 2024. Riêng mảng ô tô chiếm tới 34,7 tỷ USD, tương đương 27,2% tổng xuất khẩu. Chính những lo ngại này đã tạo áp lực giảm giá lên bạc trong phiên giao dịch ngày hôm qua, phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước triển vọng tiêu thụ bạc trong lĩnh vực công nghiệp.  

Đà giảm giá của bạc đã phần nào được kìm hãm khi nhu cầu phòng thủ trên thị trường vẫn hiện hữu, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thêm mức thuế bổ sung 10% đối với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ các chính sách đối đầu với Mỹ của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRIC. Động thái này diễn ra ngay khi hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRIC vừa khai mạc cuối tuần qua, làm gia tăng đáng kể mức độ bất ổn trên thị trường thương mại toàn cầu.

Điều này đã khiến môi trường thương mại toàn cầu trở nên bất định hơn, khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư đối mặt với rủi ro khó lường từ sự thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại của Mỹ. Trong bối cảnh đó, dòng tiền có xu hướng tìm đến các tài sản an toàn như bạc, nhằm bảo toàn giá trị trước những biến động ngày càng gia tăng.

Thị trường cà phê tiếp tục giảm sâu

Không nằm ngoài xu hướng chung, thị trường nguyên liệu công nghiệp cũng ghi nhận lực bán áp đảo với 7 trên 9 mặt hàng đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, giá cà phê Arabica tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây, đóng cửa ở mức 6.134 USD/tấn, tương đương với mức giảm gần 4%. Giá cà phê Robusta cũng đánh mất tới hơn 4,1% về mức 3.526 USD/tấn.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch ICE EU, vị thế mua ròng từ các quỹ đầu tư giảm xuống còn 37,53% trong tuần giao dịch kết thúc ngày 1/7, đưa tổng vị thế mua ròng xuống còn 1.002 hợp đồng, tương đương khoảng 167.000 bao cà phê. Động thái bán tháo này chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng nguồn cung toàn cầu sẽ gia tăng trong nửa cuối năm nhờ vụ thu hoạch mới tại Brazil, qua đó gây áp lực giảm giá lên thị trường cà phê.

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 6 đạt 118.000 tấn, tăng mạnh 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước

Trong khi đó, tình hình sản xuất cà phê tại Brazil niên vụ 2025-2026 đang ghi nhận tiến triển thuận lợi, với các số liệu ban đầu xác nhận dự báo của giới chuyên gia và nông dân. Sản lượng cà phê Robusta dự kiến sẽ tăng so với năm 2024, phản ánh điều kiện thời tiết thuận lợi và sự chủ động của người trồng trong khâu chăm sóc. Ở chiều ngược lại, sản lượng cà phê Arabica lại ghi nhận xu hướng giảm. Đáng chú ý, quá trình sơ chế Arabica cho thấy mức giảm sản lượng cao hơn so với thông lệ các năm trước. Điều này, kết hợp với lượng tồn kho chuyển vụ gần như bằng 0, khiến thị trường dự báo sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung Arabica ngay từ đầu năm 2026.

Tại thị trường cà phê nội địa, giá cà phê trong nước cũng ghi nhận diễn biến đồng pha với xu hướng chung trên thị trường quốc tế. Cụ thể, giá Robusta tại khu vực Lâm Đồng có giá 93.500 đồng/kg, giảm 2,5% so với hôm qua, giá cà phê Robusta tại khu vực Đắk Lắk có giá 94.000 đồng/kg, giảm 2,4%.

Ngoài ra, dự báo thời tiết tại các khu vực trồng cà phê tại Viêt Nam cho thấy những tín hiệu bất lợi cho cây trồng. Tại Đắk Lắk, nhiệt độ giảm nhẹ (24,18°C) và lượng mưa giảm đáng kể (4,63mm so với 7,86mm). Tại Lâm Đồng và Đắk Nông, cả hai khu vực đều ghi nhận lượng mưa thấp hơn bình thường và nhiệt độ mát nhẹ. Diễn biến thời tiết này khiến các vùng trồng cà phê đối mặt với điều kiện khô hạn vừa phải, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trong giai đoạn hiện tại.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)