sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Ngành sắt thép “sáng cửa” phục hồi trong nửa cuối năm

08/06/2023

Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại và nhu cầu xanh hóa sẽ cải thiện triển vọng cho ngành sắt thép. 

Sau khoảng thời gian giao dịch ảm đạm trong tháng 5, thị trường quặng sắt dần lấy lại đà tăng trong một tuần gần đây. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên 07/06, giá quặng sắt tăng 1,42% % lên 107,88 USD/tấn. Đáng chú ý, đây cũng là phiên tăng thứ 7 liên tiếp, giúp cho giá quặng sắt hồi phục gần 15% kể từ mức thấp nhất trong vòng 7 tháng.

Vòng xoáy giá nửa đầu năm

Gần sáu tháng đầu năm 2023 là khoảng thời gian đầy biến động với thị trường quặng sắt, khi mà giá đã có lúc cán mốc 130 USD/tấn, nhờ vào những kỳ vọng phục hồi của nhà tiêu thụ số một thế giới – Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó giá quặng sắt giảm trở lại, do triển vọng tiêu thụ bị lu mờ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn.

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam: “Xét về cơ cấu tiêu thụ, phần lớn sản lượng sắt thép hiện nay vẫn được dùng để phát triển các dự án bất động sản. Vì thế, trong bối cảnh chi phí tín dụng gia tăng khiến cho ngành xây dựng và bất động sản gặp khó, nhu cầu tiêu thụ đối với sắt thép cũng chưa thể tăng mạnh như kỳ vọng hồi đầu năm.”

Kỳ vọng khởi sắc trong nửa cuối năm

Kể từ đầu tháng 6 tới nay, giá quặng sắt đã tăng trở lại nhờ một loạt những yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực. Sức mua gia tăng trước kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ một cách rõ ràng hơn đối với nền kinh tế. Các nhà phân tích đang dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10,75% về 10,50% trong quý III năm nay. 

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng cũng sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Công cụ theo dõi của CME cho thấy hiện có 66,7% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần sau. 

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp vào cuối tháng 5 vừa qua. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, đồng thời lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. 

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho biết NHNN “sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng giảm lãi suất cho vay, và dự kiến mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.” Động thái này sẽ góp phần làm giảm bớt áp lực tín dụng, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam. 

Cũng theo ông Phạm Quang Anh, tín hiệu nới lỏng chính sách trên thế giới và cả trong nước sẽ là yếu tố giúp cho thị trường bất động sản khởi sắc, đồng thời, góp phần làm tươi sáng triển vọng của ngành sắt thép trong sáu tháng cuối năm. 

Bước chuyển mình xanh cho ngành sắt thép

Sự suy yếu của thị trường bất động sản trong những năm gần đây khiến cho điểm yếu mang tính chu kỳ của ngành sắt thép ngày càng lộ rõ, đặt ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước ta. 

Trong bối cảnh mà thế giới ưu tiên phát triển những nguồn năng lượng tái tạo, vai trò của các nguyên vật liệu như sắt thép đang ngày càng được đề cao. Cụ thể, trong cấu thành chi phí đầu tư cho một dự án điện gió, chi phí để sản xuất tua bin gió chiếm hơn 60%. Bên cạnh đó, tua-bin gió chủ yếu được làm từ thép, với 66 – 79% tổng khối lượng. Sự phát triển của các ngành năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay. 

Đối với nước ta, Quy hoạch điện VIII mới được Chính phủ thông qua đã cho thấy, định hướng của ngành điện sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có hệ thống điện gió trên bờ và ngoài khơi. Đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW.

Hiện nay, dù giá sắt đang trong đà hồi phục, nhưng vẫn thấp hơn 15% so với mức đỉnh gần nhất vào tháng 3, và vẫn thấp hơn mức trước thời kỳ đại dịch Covid-19. Việc giá quặng sắt chưa bước vào chu kỳ tăng sẽ là yếu tố thuận lợi với một nước nhập khẩu ròng như Việt Nam. 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nước ta nhập khẩu 11,69 triệu tấn sắt thép các loại, và 4,16 triệu tấn sắt phế liệu, đồng thời xuất khẩu 8,39 triệu tấn. Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, lũy kế từ đầu năm 2023 tính đến ngày 15/05, nước ta nhập khẩu 4,19 triệu tấn sắt thép các loại cùng với gần 2 triệu tấn phế liệu sắt thép, xuất khẩu 3,66 triệu tấn. 

Ngày 7/6, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm thêm từ 50 đồng/kg – 310 đồng/kg tuỳ từng thương hiệu và khu vực. Đối với thương hiệu thép Hòa Phát, dòng thép cuộn CB240 điều chỉnh giảm giá thêm 210 đồng, xuống mức 14.490 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.890 đồng/kg. Như vậy, giá thép xây dựng nội địa đã ghi nhận 9 lần giảm giá liên tiếp kể từ lần giảm đầu tiên trong năm vào đầu tháng 4.

Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp trong nước sản xuất tua-bin gió với chi phí thấp hơn, góp phần làm giảm chi phí các dự án điện gió, từ đó, góp phần gia tăng công suất điện và đảm bảo an ninh năng lượng. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam