Tin tức
Nhận diện cơ hội và thách thức ngành nhôm thép trước cạnh tranh thương mại quốc tế
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng khi Mỹ tiến hành tăng thuế đối với hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Trong đó có nhôm, thép đều là những hàng hoá thế mạnh của Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, nhưng các thách thức cũng sẽ không hề nhỏ.
Hàng rào thuế quan Mỹ - Trung
Vào khoảng giữa tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch tăng thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc có tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ đạt hơn 18 tỷ USD. Trong đó, nhôm và thép cũng có mặt trong danh sách sản phẩm bị đánh thuế, với mức thuế được điều chỉnh từ 7,5% vào năm 2019 lên tới 25% bắt đầu từ năm 2024.
Thực tế, tác động thuế quan đến ngành thép của Trung Quốc được đánh giá tương đối hạn chế, do Trung Quốc chiếm chưa đến 1% lượng thép nhập khẩu của Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, kinh tế Trung Quốc cũng khó bị ảnh hưởng vì Mỹ chỉ chiếm 0,8% lượng thép xuất khẩu của nước này.
Đối với nhôm, Trung Quốc chiếm 5,2% lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ trong quý IV năm ngoái. Thuế quan có thể có tác động nhiều hơn đến thị trường kim loại này do nhôm còn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt bổ sung đối với thương mại của Nga. Tuy nhiên, so với Canada chiếm lĩnh tới 50% lượng nhôm nhập khẩu vào Mỹ, thị phần của Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn.
Thuế quan của Mỹ đối với một số mặt hàng Trung Quốc
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: “Nếu xét toàn bộ danh sách mặt hàng mà Mỹ đánh thuế, có thể thấy các lĩnh vực quan trọng như xe điện, chất bán dẫn, pin xe điện, pin mặt trời, linh kiện pin,… đều được áp dụng mức thuế suất mới rất cao. Mặt khác, kim loại nói chung, bao gồm nhôm, thép lại đóng vai trò đầu vào không thể thiếu nhằm chế tạo ra các sản phẩm này. Nói cách khác, chính sách áp thuế sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới lĩnh vực nhôm và thép của Trung Quốc”.
Trong khi đó, cũng là quốc gia xuất khẩu nhôm và thép lớn sang thị trường Mỹ, Việt Nam lại được kỳ vọng có thể hưởng lợi từ bối cảnh nêu trên, nếu như các doanh nghiệp trong nước nỗ lực và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác quốc tế.
Cơ hội xuất khẩu của Việt Nam
Trong những năm gần đây, xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc giúp Việt Nam hưởng lợi không nhỏ nhờ lợi thế về khoảng cách địa lý, chi phí nhân công và không bị áp thuế chống cạnh tranh.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là một trong những đối tác chiến lược. Đối với ngành thép, trung bình năm 2023, Mỹ chiếm gần 10% thị phần xuất khẩu thép Việt, đứng thứ 3 sau Ý và Campuchia.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu sắt thép của nước ta rất tích cực. Trong đó, Mỹ vươn lên trở thành thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm 13% trong tổng lượng và chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 563.990 tấn, tương đương 496,38 triệu USD, tăng 129,3% về lượng và tăng 156,6% về kim ngạch.
Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam
Ngoài ra, Việt Nam cũng chiếm tới 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhôm và các sản phẩm từ nhôm đối với Mỹ, đứng thứ 4 trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất trên thị trường này.
Ngoài các sản phẩm nhôm, thép trực tiếp được hưởng lợi, cơ hội của Việt Nam còn được rộng mở hơn đối với các lĩnh vực sản xuất trong lĩnh vực năng lượng xanh như pin mặt trời, pin xe điện,… vốn rất cần quá trình gia công các mặt hàng kim loại. Chất bán dẫn cũng là một mặt hàng tiềm năng tương tự như vậy.
Với độ mở kinh tế rất cao và hàng loạt hiệp định tự do thương mại đa phương, song phương…, Việt Nam được đánh giá sẽ có rất nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư quốc tế.
Mặc dù vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra không ít thách thức, do Trung Quốc vốn là công xưởng sản xuất lớn nhất trên thế giới. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ cần phải được nâng cao rất nhiều mới có thể “chắc chân” trên thị trường quốc tế.
Nhận diện thách thức
Đối với sản phẩm kim loại thế mạnh của Việt Nam như thép hay nhôm, các mặt hàng được đem đi xuất khẩu, nhưng thực tế “vẫn cần nhập khẩu”. Việt Nam xuất khẩu thép thành phẩm, nhưng cũng nhập khẩu nguyên liệu thép như thép phế liệu, thép cuộn cán nóng,… nhằm phục vụ cho quá trình sản xuất.
Đối với ngành bauxite Việt Nam, toàn bộ lượng alumin sản xuất đều được xuất khẩu. Nhưng doanh nghiệp trong ngành vẫn phụ thuộc vào nhôm thỏi, phôi nhôm nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm từ nhôm, do chưa có năng lực luyện nhôm. Như vậy, tác động cung cầu và xu hướng giá quốc tế vẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị trường trong nước.
“Hiện nay, giá sắt thép thế giới liên tục suy yếu trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng dồi dào so với nhu cầu suy yếu. Xuất khẩu thép của Trung Quốc chiếm khoảng 10% sản lượng thế giới, dẫn đến thách thức cho các thị trường khác trong việc hấp thụ lượng xuất khẩu tăng vọt của nước này. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc các quốc gia khác áp dụng biện pháp tự vệ, hạn chế năng lực cạnh tranh”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết thêm.
Mặt khác, giá nhôm thế giới có chiều hướng tăng cao trước rủi ro thiếu hụt nguồn cung, sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi rõ ràng năng lực xuất khẩu nhôm sơ chế của nước ta rất tiềm năng.
Diễn biến giá sắt và nhôm thế giới
Thực trạng này sẽ làm giảm cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế đang tạo ra nhiều điều kiện rất tốt, đòi hỏi cần nhanh chóng nâng cao năng lực ngành.
Một trong những điểm trọng tâm nhất đó là việc chủ động được nguồn nguyên liệu và chuỗi sản xuất, nhằm bảo vệ chuỗi giá trị ngành. Ngoài ra, việc liên kết với các lĩnh vực khác cũng cần được phát huy, đặc biệt là những ngành tiềm năng và có giá trị cao như năng lượng tái tạo, công nghiệp chất bán dẫn. Khi đó, Việt Nam mới có thể tận dụng tối ưu cơ hội quốc tế về cạnh tranh thương mại như hiện nay, và nâng cao giá trị xuất khẩu các ngành công nghiệp thế mạnh. Muốn vậy, sẽ rất cần sự nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, học hỏi, phát triển và liên tục ứng dụng công nghệ.
Ngoài ra, về dài hạn, các lĩnh vực sản xuất nhôm, thép cũng rất cần thiết phải tính toán luôn tới bài toán phát triển bền vững, thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhằm chinh phục các đối tác thương mại hàng đầu.
Hồng Hạnh