Tin tức
Nhóm kim loại đồng loạt lao dốc trước “cuộc chiến” tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát
Đóng cửa hôm qua ngày 09/06, trong khi sắc đỏ phủ tuyệt đối trên bảng giá Kim loại thì sắc xanh lại chiếm ưu thế đối với cả 3 nhóm hàng hoá nguyên liệu còn lại là Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Năng lượng. Chỉ số MXV-Index chỉ tăng nhẹ 0,21% lên 3.139 điểm. Tuy nhiên, theo Khối Quản lý Giao dịch, Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), ngày hôm qua dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường hàng hoá ghi nhận mức tăng rất mạnh và đều trên các nhóm mặt hàng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với ngày trước đó.
Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại trước các thông tin vĩ mô
Các mặt hàng kim loại đồng loạt lao dốc chủ yếu do các yếu tố vĩ mô xoay quanh bài toán lạm phát và những động thái tích cực tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Giá vàng đóng cửa với mức giảm 0,3% xuống 1847,61 USD/ounce. Giá bạc đánh mất mốc 22 USD sau khi giảm 1,25% trong phiên giao dịch hôm qua. Trong khi đó, bạch kim lao dốc mạnh nhất, nối tiếp chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp với mức giảm 3,53% xuống 975.9 USD/ounce.
Vào hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy những động thái tham gia vào “cuộc chiến” tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục tại khu vực. Theo đó, ECB cho biết họ sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 21/7, và sẽ có thể quyết liệt hơn sau đó, trừ khi triển vọng lạm phát được cải thiện. Khẩu vị rủi ro của các nhà giao dịch suy giảm đã khiến giá kim loại chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cho thấy tâm lý lo ngại trước khi các dữ liệu lạm phát tại Mỹ được công bố vào tối nay, điều mà nhiều chuyên gia cho rằng khả năng cao chỉ số giá tiêu dùng sẽ gia tăng trong tháng 5. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ vững thái độ kiên quyết trong kế hoạch thắt chặt, nhất là khi thị trường lao động Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào quá tiêu cực. Điều này đã đẩy đồng Dollar Mỹ lên mức cao nhất kể từ ngày 10/5, gây áp lực lên chi phí nắm giữ bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, bên cạnh những tác động vĩ mô, giá đồng COMEX và quặng sắt đều suy yếu trong phiên hôm qua sau khi một số khu vực của Thượng Hải bắt đầu áp đặt các hạn chế mới về phong toả Covid-19. Bên cạnh đó, các trung tâm giải trí ở quận Triều Dương, quận lớn nhất Bắc Kinh, đã được lệnh đóng cửa sau một vụ bùng phát dịch liên quan đến các quán bar được phát hiện. Điều này cho thấy Chính phủ Trung Quốc vẫn kiên quyết với Chính sách “Không Covid” của mình và làm dấy lên nghi ngại về các đợt bùng dịch trong tương lai. Ngoài ra, lợi nhuận tại các nhà máy thép Trung Quốc suy giảm sau đợt tăng giá nguyên liệu sản xuất gần đây đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư và khiến giá quặng sắt suy yếu.
Triển vọng nhu cầu cải thiện đẩy giá đậu tương quay trở lại vùng đỉnh 10 năm
Trên thị trường nông sản, các mặt hàng trong nhóm đậu tương có diễn biến trái chiều nhau. Trong khi đậu tương và khô đậu tương tăng mạnh thì dầu đậu tương lại đóng cửa phiên trong sắc đỏ do tác động gián tiếp từ giá dầu cọ. Đáng chú ý hơn, giá đậu tương trong phiên hôm qua đã tăng mạnh, và quay trở lại mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2012. Những kì vọng về nguồn cung thắt chặt hơn trong báo cáo WASDE tối nay là một trong những yếu tố thúc đẩy đà tăng của giá.
Trong tối qua, báo cáo Export Sales của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết bán hàng đậu tương trong cả 2 niên vụ trong tuần từ 27/05 đến 02/06 đều tăng mạnh hơn so với tuần trước đó. Đặc biệt là trong niên vụ 2021/22, bán hàng đậu tương đạt gần 430 nghìn tấn, cao gần gấp 3 so với số liệu tuần trước đó. Ngoài ra, cũng trong hôm qua, Trong báo cáo Daily Export Sales, USDA đã thông báo về việc bán 1 đơn hàng 143 nghìn tấn đậu tương cho 1 nước giấu tên. Chính vì thế, nhu cầu sử dụng đậu tương cải thiện là yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá mặt hàng này trong phiên ngày hôm qua.
Cùng với đó, theo Hải Quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương của nước này trong tháng 5 đạt 9,68 triệu tấn, cao hơn so với mức 9,61 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại, việc tăng khối lượng nhập khẩu càng củng cố triển vọng về nhu cầu và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá.
Diễn biến cùng chiều với đậu tương, khô đậu tương là mặt hàng có đà tăng mạnh nhất trong phiên hôm qua. Nhu cầu tiêu thụ trong hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi đã hỗ trợ cho giá mặt hàng này tiến sát vùng đỉnh cũ ở mức giá 430 cents.
Trái ngược với khô đậu tương, dầu đậu tương đang có dấu hiệu suy yếu khi đóng cửa phiên với mức giảm nhẹ 0.37%. Mới đây, Bộ Thương mại nước này cho biết họ đang thực thi kế hoạch tăng xuất khẩu dầu cọ thô và 1 số chất dẫn xuất lên ít nhất 1 triệu tấn. Những dấu hiệu tích cực về nguồn cung dầu cọ tại Indonesia là yếu tố gây sức ép đến giá dầu thực vật trong phiên hôm qua, từ đó gián tiếp gây áp lên giá mặt hàng dầu đậu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)