sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Nhóm Kim loại và Nông sản chịu sức ép bán lớn

20/07/2022

Sau phiên phục hồi vào ngày đầu tuần, thị trường hàng hoá đóng cửa ngày 19/07 với mức biến động trái chiều. Tuy nhiên, lực bán mạnh của một số mặt hàng, đặc biệt là nhóm Kim loại và Nông sản, đã kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 1,11% xuống mức 2.553,26 điểm.

Chỉ số MXV-Index của cả 4 nhóm nguyên liệu đều kết phiên trong sắc đỏ, dẫn đầu là nhóm Kim loại khi thị trường đồng và quặng sắt vẫn đang chịu áp lực về suy thoái bất động sản. Tuy nhiên, dòng tiền phân bổ vào nhóm này đã tăng mạnh khi các nhà đầu tư đón bắt xu hướng giảm của giá nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, thị trường nông sản đứng trước triển vọng về mùa vụ đã tạo áp lực lên giá của 6 trong tổng số 7 mặt hàng  trong nhóm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức hơn 3.000 tỷ đồng.

Kim loại cơ bản gặp cản trở khi lĩnh vực bất động sản suy yếu

Các mặt hàng kim loại cho thấy những diễn biến trái chiều, tuy nhiên, lực bán vẫn đang chiếm ưu thế. Bạc mở cửa phiên thấp hơn hôm trước đó và tăng lên trong phiên, tuy nhiên, mức tăng khiêm tốn vẫn khiến giá bạc kết phiên trong sắc đỏ so với phiên đầu tuần, suy yếu 0,67% xuống mức 18,7 USD/ounce. Trong khi đó, bạch kim tăng nhẹ 0,34% lên mức 858,9 USD/ounce và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp.

Một báo cáo từ Reuters cho rằng Ngân hàng châu Âu (ECB) đang cân nhắc việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm vào cuộc họp ngày mai. Điều này giúp đưa đồng euro vào đà tăng phần trăm trong ngày lớn nhất trong gần 2 tháng và khiến đồng USD hạ nhiệt. Giá bạch kim được hưởng lợi khi áp lực về chi phí nắm giữ suy yếu.

Giá bạc cũng đã tăng lên ngay trong phiên, tuy nhiên, dữ liệu về sản lượng bạc nitrat tại Trung Quốc trong tháng 6 giảm 7,2% so với tháng trước khi tồn kho bạc đang cao đã cản trở đà tăng của giá bạc trong phiên.

Đối với thị trường kim loại cơ bản, giá đồng và quặng sắt đều suy yếu sau khi phục hồi khá mạnh vào phiên đầu tuần, kết phiên với mức giảm lần lượt là 1,64% xuống 3,29 USD/pound và 3,49% xuống 97,2 USD/tấn. Quặng sắt vẫn đang trượt khỏi mốc 100 USD. Hoạt động xây dựng nhà mới của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng vào tháng 6, và số giấy phép cho các dự án xây dựng mới cũng giảm 10.000 giấy phép so với tháng trước xuống mức 1,685 triệu trong tháng 6. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường nhà ở đang hạ nhiệt khi tỷ lệ thế chấp tăng cao làm giảm khả năng chi trả của người tiêu dùng. Khoảng 45% nhu cầu về đồng và sắt thép được sử dụng cho lĩnh vực xây dựng tại Mỹ.

Tăng trưởng chậm lại đang cản trở sự phát triển của lĩnh vực bất động sản tại nền kinh tế số 1 trên thế giới, trong khi khủng hoảng bất động sản vẫn đang tạo sức ép cho Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sắt thép nhiều nhất toàn cầu. Những yếu tố kép này đã khiến cho giá kim loại cơ bản suy yếu trở lại trong phiên hôm qua.

Giá đậu tương gặp sức ép khi diện tích gieo trồng mở rộng

Đối với nhóm nông sản, giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 quay đầu giảm mạnh và gần như xóa đi mức tăng của phiên trước đó trước triển vọng nguồn cung nới lỏng tại Brazil.

Hãng tin Safras & Mercado dự báo diện tích gieo trồng đậu tương tại Brazil trong niên vụ 2022/23 có thể sẽ đạt mức kỷ lục 42,88 triệu ha, tăng 2,6% so với niên vụ trước. Ở bang Mato Grosso, khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, diện tích dự kiến sẽ tăng 3,5%. Giá đậu tương đang ở mức cao, đem lại tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn là động lực chính khiến nông dân thúc đẩy mở rộng gieo trồng. Nếu thời tiết ổn định, mức sản lượng thu hoạch niên vụ 22/23 có thể vượt lên trên mức 150 triệu tấn lần đầu tiên trong lịch sử. Chính những triển vọng tích cực này đối với mùa vụ tiếp theo đã là yếu tố chính lý giải cho mức sụt giảm của đậu tương. 

Bên cạnh đó, khô đậu và dầu đậu cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Theo đó, Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo Brazil có thể xuất khẩu 2,206 triệu tấn khô đậu trong tháng 07, cao hơn so với mức 2,173 triệu tấn ước tính của tuần trước. Đối với dầu đậu, giá suy yếu do chịu sức ép từ đà giảm của dầu cọ, khi xuất khẩu ở Indonesia vẫn đang nới lỏng hơn.

Ngô dẫn đầu đà giảm trong nhóm nông sản

Giá ngô hợp đồng tháng 12 mở cửa phiên giảm cách biệt, chủ yếu đến từ các số liệu về chất lượng mùa vụ tại Mỹ. Sau đó, đà giảm tiếp tục được duy trì và khiến cho giá ngô đóng cửa giảm hơn 2,5% và mất đi hỗ trợ tâm lí 500. Đây là phiên giảm đầu tiên sau 4 phiên hồi phục liên tiếp của ngô.

Đối với mùa vụ tại Mỹ, báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) trong tuần kết thúc ngày 17/07 cho thấy, tỷ lệ ngô đạt tốt – tuyệt vời vẫn duy trì ở mức 64% so với tuần trước đó, cao hơn mức kỳ vọng của thị trường.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu tăng vọt ở Brazil cũng góp phần tạo áp lực lên giá. Theo hãng tin Reuters, xuất khẩu ngô của Brazil qua các cảng phía nam ở bang Parana đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Khối lượng các lô hàng qua cảng Paranagua đã tăng tới 221% so với cùng kỳ năm ngoái do xung đột ở Biển Đen khiến các quốc gia nhập khẩu phải đi tìm nguồn cung thay thế Ukraine. Xuất khẩu ngô của Brazil còn được dự báo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh do nguồn cung sẵn có từ vụ 2 đang vừa được thu hoạch và đàm phán thúc đẩy thương mại mới đây với Trung Quốc. Nguồn cung cạnh tranh hơn với Mỹ đã thúc đẩy lực bán đối với ngô. 

Đối với lúa mì hợp đồng tháng 9, giá đóng cửa thị trường trong sắc đỏ với mức thay đổi không đáng kể. Triển vọng mùa vụ ở các nước sản xuất lớn là yếu tố tác động trái chiều lên giá, đặc biệt là khi lúa mì đã quay trở về vùng giá trước khi chiến tranh ở Biển Đen xảy ra.

Tại Mỹ, 71% cây trồng vụ đông được đánh giá ở mức độ tốt – tuyệt vời, cao hơn so với mức 70% của tuần trước và dự đoán của thị trường. Ngược lại, lúa mì vụ xuân lại có tiến độ chậm hơn mức 75% dự kiến. Bên cạnh đó, lo ngại về hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra ở châu Âu đã giúp giá lúa mì không giảm sâu trước những số liệu xuất khẩu tích cực hơn ở Ukraine.

Trên thị trường nội địa, giá heo sáng nay đã tăng vọt từ 1.000 – 6.000 VND/kg tuỳ từng khu vực và ghi nhận mức cao nhất là 74.000 VND/kg tại khu vực miền Bắc. Như vậy, khoảng 10 ngày nay, giá heo hơi trong cả nước đã bật tăng trở lại. Chi phí thức ăn chăn nuôi đắt đỏ, đặc biệt là giá cám, đã gây sức ép lên các hộ nông dân. Bên cạnh đó, tại khu vực miền núi phía Bắc, dịch tả heo châu Phi đang có nguy cơ bùng phát liên tục gây sức ép đến nguồn cung và khiến giá heo tăng mạnh.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)