Tin tức
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trầm lắng

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (15/4). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,1% về mức 2.161 điểm. Đáng chú ý, sắc xanh tiếp tục bao phủ thị trường kim loại khi thị trường kỳ vọng Mỹ sẽ sớm hạ lãi suất và tín hiệu tiêu thụ tích cực từ các ngành công nghiệp chủ chốt. Trong khi đó, giá đậu tương chịu ảnh hưởng từ hoạt động chốt lời sau các phiên tăng liên tiếp trước đó.
Lực mua tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường kim loại
Thị trường kim loại tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch ngày 15/4 với lực mua áp đảo nhờ kỳ vọng Mỹ sẽ sớm hạ lãi suất và tín hiệu tiêu thụ tích cực từ các ngành công nghiệp chủ chốt.
Trên thị trường kim loại quý, kết phiên, giá bạc tăng thêm 0,4% lên 32,3 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 1,3% lên 969,9 USD/ounce .
Báo cáo từ Rho Motion cho thấy doanh số toàn cầu của xe điện và xe hybrid trong tháng 3 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,7 triệu chiếc. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng 36%, gần chạm mốc 1 triệu xe, trong khi doanh số tại châu Âu cũng tăng 24% lên 400.000 xe nhờ các quy định khí thải nghiêm ngặt. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với bạc và bạch kim, khi bạc được sử dụng trong các hệ thống điện và cảm biến, còn bạch kim đóng vai trò quan trọng trong bộ xử lý khí thải của xe hybrid.
Ở nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nhích nhẹ 0,01% lên 10.198,57 USD/tấn, còn quặng sắt nối dài đà hồi phục với mức tăng 0,59% lên 98,71 USD/tấn.
Tồn kho đồng sẵn sàng giao tại Sở Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) cuối tháng 3 chỉ còn 235.296 tấn, giảm 12% so với cuối tháng 2. Diễn biến này phần nào củng cố những lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung, qua đó hỗ trợ giá đồng tiếp tục giữ sắc xanh trong phiên giao dịch hôm qua.
Ngoài ra, dữ liệu từ Diễn đàn Thép Không gỉ Thế giới (ISSF) cho thấy sản lượng thép không gỉ toàn cầu năm 2024 tăng 7% so với năm 2023, phản ánh nhu cầu sản xuất ổn định và góp phần thúc đẩy tiêu thụ các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, tạo động lực cho đà hồi phục giá trên thị trường.
Giá đậu tương mở rộng đà suy yếu
Theo ghi nhận của MXV, trong phiên giao dịch hôm qua, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường nông sản. Trong đó, giá đậu tương mở rộng đà suy yếu trong phiên giao dịch, khép lại với mức điều chỉnh 0,55% xuống mức 380 USD/tấn. Đà giảm chủ yếu xuất phát từ hoạt động chốt lời sau chuỗi tăng liên tục, đặc biệt tại các hợp đồng tháng gần, trong khi các hợp đồng tháng xa vẫn duy trì sắc xanh.
Áp lực lên thị trường gia tăng sau khi Hiệp hội các nhà ép dầu quốc gia Mỹ (NOPA) công bố báo cáo ép dầu tháng 3 với kết quả thấp hơn kỳ vọng. Cụ thể, khối lượng ép đậu tương đạt khoảng 5,3 triệu tấn, thấp hơn gần 81.650 tấn so với dự báo trung bình. Dù cao hơn tháng 2, con số này vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận tốc độ ép dầu trung bình thấp nhất trong 6 tháng qua, làm giảm kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ đậu tương ngắn hạn.
Bên cạnh đó, triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ từ Brazil tiếp tục tạo áp lực lên giá. Hiệp hội Các Nhà Xuất Khẩu Ngũ Cốc Brazil (ANEC) dự báo xuất khẩu đậu tương trong tháng 4 đạt 14,5 triệu tấn, tăng so với mức 13,3 triệu tấn của tuần trước, nhờ tiến độ thu hoạch được đẩy mạnh.
Các thông tin liên quan đến thuế quan vẫn xuất hiện dày đặc nhưng chưa đủ sức tác động mạnh lên thị trường. Chính quyền Tổng thống Trump chuyển hướng sang đàm phán với các đối tác hợp tác, đồng thời thúc đẩy đầu tư trong nước, trong khi Trung Quốc tiếp tục giữ lập trường đối đầu và là quốc gia duy nhất bị áp mức thuế cao nhất.
Đối với các sản phẩm chế biến từ đậu tương, giá dầu đậu được hỗ trợ nhờ tồn kho NOPA thấp hơn dự báo đáng kể. Ngược lại, giá khô đậu suy yếu theo diễn biến của đậu tương, trong bối cảnh đồng peso mất giá dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu khô đậu từ Argentina, tạo thêm áp lực lên giá mặt hàng này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Tin tức
Tin nổi bật
Tin tức liên quan
