Tin tức
Áp lực đóng vị thế cuối năm có thể kéo giá dầu tiếp tục giảm
Xu hướng tăng ngắn hạn của giá dầu trước đó chủ yếu là do căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ làm gián đoạn khả năng vận chuyển dầu thô của các đơn vị tàu biển. Hiện tại, căng thẳng đang dần hạ nhiệt, nên giá dầu có thể cũng sẽ gặp áp lực trở lại. Cùng với đó, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ chốt lời cuối năm, đồng thời hạn chế mở vị thế mới. Tâm lý này sẽ làm gia tăng lực bán trong phiên cuối tuần.
Ngay trong báo cáo nhiên liệu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/12, khá bất ngờ với báo cáo tăng 1,8 triệu thùng của API. Tuy nhiên, thị trường không có phản ứng đáng kể.
Nguyên nhân một phần là do tồn kho tại trung tâm lưu trữ quan trọng của Mỹ ở Cushing, Oklahoma, địa điểm phân phối dầu thô tiêu chuẩn, tiếp tục tăng lên mức 34 triệu thùng, từ mức 32,5 triệu thùng trong tuần trước. Đây vốn là nơi cung cấp cơ chế phân phối thực tế cho hợp đồng tương lai NYMEX WTI, đầu mối quan trọng cho thị trường dầu thô toàn cầu, với hơn 30 đường ống xuất nhập khẩu và 16 kho cảng chính.
Lo ngại về bài toán nhu cầu yếu vẫn là nguyên nhân chủ đạo tạo sức ép lên giá. Các tổ chức quốc tế đánh giá không mấy khả quan về bối cảnh tăng trưởng toàn cầu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2024. Nỗ lực của OPEC+ trong năm qua dường như cũng không mấy hiệu quả. Điểm đáng chú ý nhất có thể nâng giá dầu là diễn biến xung quanh các yếu tố địa chính trị, và tác động có thể mạnh tay hơn từ OPEC+. Do đó, khi các yếu tố này lắng xuống thì dầu thô khá khó có động lực tăng giá.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)