Tin tức
Áp lực khi tiệm cận kháng cự 79 USD có thể kéo giá dầu suy yếu
Giá dầu duy trì đà tăng trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng thắt chặt khi thị trường rơi vào trạng thái “bù hoãn bán” (backwardation), một cấu trúc mà giá của hợp đồng kỳ hạn gần cao hơn hợp đồng kỳ hạn xa. Trong khi đó, chênh lệch giá giữa hai hợp đồng kỳ hạn gần nhất ngày càng tăng trong những tuần gần đây, cho thấy triển vọng nhu cầu mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ngoài ra, kỳ vọng việc khởi động lại các nhà máy lọc dầu ở Mỹ sau một loạt sự cố ngừng hoạt động trước đó có thể hỗ trợ nhu cầu, cũng đang là động lực thúc đẩy đà tăng của giá. Reuters cho biết nhà máy lọc dầu Whiting ở bang Indiana với công suất 435.000 thùng/ngày của BP dự kiến sẽ hoạt động tối đa công suất vào tháng 3. Nhà máy lọc dầu có công suất 238.000 thùng/ngày ở Port Arthur, Texas của TotalEnergies cũng đang nỗ lực hoàn tất việc khởi động lại. Theo khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự báo công suất vận hành nhà máy lọc dầu của Mỹ sẽ tăng lên 81,5% trong tuần kết thúc vào ngày 16/2, từ mức 80,6% trong tuần trước đó.
Tuy nhiên, động lực này chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý khi kế hoạch khởi động lại của các nhà máy lọc dầu này không nằm trong khoảng thời gian báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA). Tâm điểm của thị trường hôm nay là báo cáo tuần của EIA về tồn kho dầu và sản phẩm dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/2. Theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) vừa công bố rạng sáng nay, tồn kho dầu thương mại của Mỹ tăng mạnh 7,17 triệu thùng trong tuần trước, so với dự báo tăng 3,9 triệu thùng của giới phân tích. Điều này phản ánh nhu cầu dầu thô tại Mỹ còn nhiều hạn chế. Nếu dữ liệu của EIA tiếp tục đồng thuận với API, lực bán có thể sẽ được kích hoạt mạnh mẽ.
Ngoài ra, lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn có thể cũng sẽ gây sức ép lên giá. Biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy phần lớn các quan chức vẫn lo ngại về nguy cơ cắt giảm lãi suất quá sớm, hơn là giữ lãi suất cao quá lâu và gây tổn hại cho nền kinh tế.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)