Tin tức
Áp lực tại kháng cự tâm lý 76 USD, giá dầu có thể điều chỉnh giảm
Giá dầu tiếp tục nhận được lực mua tích cực trong phiên sáng khi thị trường vẫn đang đánh giá báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Báo cáo cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm mạnh 9,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/1, trong khi sản lượng dầu của Mỹ cũng ghi nhận mức giảm mạnh 1 triệu thùng/ngày xuống 12,3 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, cũng đang là động lực thúc đẩy đà tăng của giá dầu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) dự kiến sẽ cắt giảm sâu tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), một tín hiệu mạnh mẽ về sự hỗ trợ cho nền kinh tế vốn đang trong trạng thái trì trệ.
Dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 sơ bộ lần một của Mỹ vào tối nay có thể cũng sẽ chi phối đến xu hướng biến động của giá dầu. Loạt dữ liệu kinh tế gần đây đều cho thấy sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Mỹ bất chấp môi trường lãi suất cao, củng cố kỳ vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các cuộc khảo sát về tâm lý hộ gia đình theo thước đo của Conference Board và Đại học Michigan đều cải thiện vào cuối năm ngoái. Doanh số bán lẻ tăng, kỳ vọng lạm phát giảm, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tích cực. Nếu số liệu GDP thực tế tích cực hơn dự báo, điều này sẽ tiếp tục củng cố kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ, hỗ trợ giá dầu.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn đang tiếp diễn khi hãng vận tải Maersk cho biết các vụ nổ trong khu vực đã buộc hai tàu do công ty con của Mỹ vận hành và chở quân nhu của Mỹ phải quay đầu khi đi qua eo biển Bab al-Mandab ngoài khơi Yemen. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có sự gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất dầu thực tế hoặc sự leo thang rộng hơn của các cuộc tấn công vào các tuyến vận chuyển dầu quan trọng trong khu vực, giá dầu có thể sẽ chưa có đủ chất xúc tác để tăng cao hơn nữa.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)