Tin tức
Áp lực vĩ mô có thể tiếp tục gây sức ép tới giá dầu khi thị trường vắng bóng tin tức cung cầu
Dầu thô đang tiếp tục gặp lực bán và nhiều khả năng đà giảm sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay trong bối cảnh yếu tố vĩ mô tiêu cực và vắng bóng các tin tức cung – cầu cơ bản.
Nối tiếp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày hôm qua. Nhưng quan trọng hơn, chủ tịch ECB đã phát đi các tín hiệu khá “diều hâu” về con đường thắt chặt tiền tệ phía trước. Kể từ đầu quý II năm sau, ECB sẽ cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán trung bình 15 tỷ euro (15,9 tỷ USD) mỗi tháng cho đến cuối quý 2 năm 2023, như vậy, tương đương với việc ECB sẽ để cho gần 50 tỷ USD trái phiếu đáo hạn mà không tái đầu tư. ECB đang dự báo lạm phát sẽ vẫn cao hơn mục tiêu trong thời hạn 3 năm, đồng nghĩa với quá trình thắt chặt tiền tệ tại khu vực này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khá lâu và rủi ro suy thoái đi kèm có thể gây áp lực tới nhu cầu tiêu thụ dầu tại khu vực này.
Động lực thúc đẩy tiêu thụ dầu hiện tại sẽ là hi vọng sự phục hồi của Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này nhiều khả năng sẽ phải trải qua một giai đoạn bùng dịch trên diện rộng do các chính sách nới lỏng kiểm soát, trước khi có thể bình thường hoá tiến trình này. Sự bùng phát đang diễn ra tại Bắc Kinh với sự quá tải bệnh nhân từ các bệnh viện, các cửa hàng đóng cửa, nhiều người dân cách ly tại nhà, các nhà máy thiếu nhân lực và dịch vụ chậm trễ. Tình trạng tắc nghẽn trong thành phố, nơi có số lượng đăng ký xe hơi cao nhất trên toàn quốc, đã giảm xuống còn khoảng 1/3 so với mức tháng 1/2021. Số lượng hành khách trung bình hàng ngày trong tuần này gần mức thấp nhất kể từ thời điểm Bắc Kinh bị phong tỏa một phần để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19.
Tình hình di chuyển và hoạt động kinh tế gián đoạn sẽ là yếu tố “bearish” cho thị trường dầu trong phiên hôm nay bên cạnh các sức ép từ vĩ mô.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)