sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 01/04/2022: Giá dầu WTI giảm về 100 USD/thùng sau các tin tốt về nguồn cung

01/04/2022

Đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng của tháng 03, lực bán hoàn toàn chiếm ưu thế trong thời gian giao dịch, khiến thị trường một lần nữa đảo chiều, kéo chỉ số Hàng hoá MXV- Index giảm gần 2% xuống 2.899 điểm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng nhẹ và đạt mức hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng nhóm Năng lượng và Nông sản đã chiếm đến 80% tổng dòng tiền của cả thị trường trong ngày hôm qua với những diễn biến rất đáng chú ý.

3 trên tổng số 4 mặt hàng Năng lượng đồng loạt giảm mạnh, trong đó đáng chú ý nhất là việc, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 03, giá dầu WTI đóng cửa ở quanh mốc 100 USD/thùng sau khi trượt dốc gần 7%. Dầu Brent cũng giảm tới hơn 6% còn hơn 104 USD/thùng.

Tối hôm qua theo giờ Việt Nam, Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh, gọi tắt là nhóm OPEC+ đã thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 05/2022 giúp xoa dịu lo ngại về nguồn cung do xung động giữa Nga và Ukraine. Mức tăng 432 nghìn thùng này cao hơn so với mức 420 nghìn thùng mỗi ngày mà nhóm OPEC+ đã cam kết tăng thêm kể từ mùa hè năm ngoái. Mặc dù không có gì đột phá so với các chính sách trước đó, nhưng giá dầu đã ngay lập tức giảm mạnh sau khi thông tin này được công bố.

Trước đó, lực bán cũng đã chiếm ưu thế hơn trên thị trường khi Mỹ cho biết sẽ cân nhắc mở kho dự trữ chiến lược một lượng lớn tương đương 180 triệu thùng từ tháng 05/2022. Theo dự kiến, trung bình trong vòng 6 tháng, mỗi ngày Mỹ sẽ giải phóng cho thị trường 1 lượng tương đương 1 triệu thùng dầu. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng Mỹ đã mở kho dự trữ chiến lược 3 lần. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thuyết phục các đồng minh giải phóng tiếp 30-50 triệu thùng dầu trong năm nay.

So với động thái giải phóng 60 triệu thùng hồi tháng 3 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, lần bù đắp lượng thiếu hụt dầu lần này của Mỹ được cho là mạnh hơn rất nhiều trong hiệu quả hạ nhiệt giá dầu và thực tế đã ngay lập tức gây sức ép lên giá.

Cũng trong nỗ lực nhằm giảm giá nhiên liệu và năng lượng từ Mỹ, mới đây chính quyền Tổng thống Biden cho biết đang xem xét bổ sung thêm ethanol vào khí đốt. Ngành công nghiệp ethanol đã đấu tranh để tăng mức pha trộn nhiên liệu lên 15% ethanol, được gọi là xăng E15. Giá ethanol rẻ hơn dầu thô và xăng nguyên liệu sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô của Mỹ nhưng đồng thời làm tăng nhu cầu tiêu thụ ngô trong công nghiệp. Yếu tố này kết hợp với các Số liệu diện tích mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra vào lúc 23:00 đêm qua đã khiến ngô trở thành mặt hàng duy nhất trong nhóm nông sản giữ được mức tăng trên 1% vào phiên hôm qua.

Báo cáo Diện tích gieo trồng là báo cáo được Bộ Nông nghiệp Mỹ phát hành hàng năm, nên việc giá biến động mạnh như những gì chúng ta đang thấy ở đây cũng không có gì bất ngờ. Thị trường giằng co rất mạnh chỉ vài phút sau khi báo cáo được phát hành, và ngô đóng cửa tăng gần 1,5% lên mức 294,77 USD/tấn.

Theo số liệu vừa được công bố đêm qua, diện tích gieo trồng ngô của Mỹ trong năm nay sẽ chỉ đạt 89,5 triệu mẫu, thấp hơn nhiều so với diện tích 93,36 triệu mẫu đã gieo trồng năm ngoái. Điều này càng làm trầm trọng hơn sự thiếu hụt nguồn cung ngô xuất khẩu, vốn đang rất đáng báo động sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina. Hiện nay, Mỹ vẫn đang là nước xuất khẩu ngô lớn nhất trên thế giới, Ukraina và Nga lần lượt đứng thứ 4 và thứ 6 toàn cầu.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, nguồn cung thắt chặt sẽ là yếu tố khiến giá ngô có thể sẽ vẫn neo ở các vùng giá cao trong thời gian tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)