sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 04/01/2022: Dòng tiền đầu tư gia tăng mạnh mẽ trong ngày đầu năm 2023

04/01/2023

Trở lại sau kỳ nghỉ lễ, thị trường hàng hoá biến động rất mạnh trong ngày hôm qua 03/01. Đặc biệt, đà lao dốc của các mặt hàng năng lượng đã kéo chỉ số MXV - Index giảm hơn 2%, xuống 2.396 điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư trở lại thị trường mạnh mẽ, thể hiện qua mức tăng rất mạnh, gần gấp đôi so với ngày cuối năm 2022, đạt trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng nhóm năng lượng, giá trị giao dịch đã đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm tới 58% tổng dòng tiền kể trên. Điều này tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của các mặt hàng năng lượng, đặc biệt là dầu thô, đối với nhà đầu tư Việt Nam.

Như quý vị có thể thấy trên bảng giá năng lượng, toàn bộ các mặt hàng đều đóng cửa trong sắc đỏ. Hai mặt hàng dầu thô đồng loạt giảm mạnh hơn 4%. Cụ thể, hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 2 trên Sở NYMEX chốt ở mức 76,93 USD/thùng và dầu Brent kỳ hạn tháng 03 trên Sở ICE kết thúc phiên hôm qua với giá 82,1 USD/thùng. Liên tục chịu sức ép từ các yếu tố vĩ mô và triển vọng kinh tế toàn cầu giá dầu đã trở về vùng thấp nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây.

Một diễn biến thu hút rất nhiều sự chú ý của thị trường trong ngày hôm qua phải kể đến mức lao dốc gần 11% của giá khí tự nhiên xuống dưới 4 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, thấp nhất kể từ tháng 02/2022, thời điểm trước cả khi xung đột quanh khu vực biển Đen diễn ra.

Giá gặp sức ép lớn trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu được nới lỏng. Mới đây, theo Bloomberg, Mỹ đã đuổi kịp Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG lớn nhất thế giới. Cả hai quốc gia này đã xuất khẩu tới 81,2 triệu tấn LNG trong năm 2022.

Cùng với Mỹ, một trong những nhà xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới là Nga hiện đang tăng cường công suất xuất khẩu qua đường ống sang Trung Quốc với công suất lên tới 60 triệu mét khối/ngày. Theo đó, tổng lưu lượng xuất khẩu trong năm nay được dự báo sẽ đạt đến hơn 22 tỷ mét khối, cao hơn rất nhiều so với con số 15 tỷ mét khối trong năm 2022. Trung Quốc đã trở thành điểm đến ưu tiên hàng đầu của Gazprom, tập đoàn khí đốt lớn nhất nước Nga, sau khi các nước châu Âu áp đặt lệnh cấm lên nguồn cung từ Moscow.

Cùng với đó, thời tiết mùa đông ấm áp hơn dự kiến trên khắp các khu vực trên thế giới đang nhanh chóng xoa dịu lo ngại về cuộc khủng hoảng khí tự nhiên toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ có khả năng suy yếu, trong khi nguồn cung toàn cầu được mở rộng, hiện đang gây sức ép rất lớn lên giá khí tự nhiên.

Trên thị trường nội địa, cùng chiều xu hướng giá thế giới, bắt đầu từ sáng 01/01, giá gas trong nước đồng loạt được điều chỉnh giảm khoảng 14.000 đồng/bình 12kg và 58.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 447.500 đồng/bình 12kg và không quá 1.864.000 đồng/bình 50kg; đánh dấu kỳ giảm giá đầu tiên của giá gas trong nước trong năm 2023.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)