sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 04/04/2022: Giá dầu giảm mạnh nhất 2 năm, dầu WTI đóng cửa dưới 100 USD/thùng

04/04/2022

Sau giai đoạn tăng đột biến hồi cuối tháng 2, giá các loại hàng hóa nguyên liệu chủ chốt đều đã trải qua đợt điều chỉnh giảm khá mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ số hàng hóa MXV-Index có tuần giảm sâu nhất với mức giảm 5,2% xuống còn 2.885 điểm. Trong đó, mức giảm lớn nhất đến từ nhóm Năng lượng, khi chỉ số MXV-Index Năng lượng giảm tới 8,4% xuống còn 4.758 điểm.

Theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, giá trị giao dịch trung bình tính riêng nhóm này trong tuần qua đã đạt hơn 1.800 tỷ đồng mỗi phiên, chiếm đến 40% dòng tiền của cả thị trường. Con số trên tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của nhóm các mặt hàng này, và cho thấy vai trò dẫn dắt của nhóm đối với thị trường hàng hóa nói chung.

Theo thống kê, tuần vừa qua là tuần giảm giá mạnh nhất của các mặt hàng dầu thô trong gần 2 năm qua. Cụ thể, trên Sở NYMEX, giá dầu WTI giảm 12,8% xuống còn 99,27 USD/thùng. Cùng với đó, giá dầu Brent trên Sở ICE cũng giảm hơn 11% xuống gần 104,4 USD/thùng.

Giá dầu thô đã liên tục gặp sức ép từ đầu tuần khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa thành phố 26 triệu dân là Thượng Hải để kiểm soát dịch Covid-19. Mặc dù theo dự kiến, ngày mai 05/04 Thượng Hải sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch, tuy nhiên số ca nhiễm liên tục tăng mạnh dẫn đến khả năng khu vực này sẽ phải tiếp tục duy trì tình trạng đóng cửa. Tình hình lây lan dịch Covid-19 khiến Bộ Giao thông nước này dự kiến lưu lượng giao thông đường bộ và số chuyến bay sẽ giảm lần lượt 20% và 55% trong 3 ngày nghỉ lễ Thanh minh. Ngân hàng Morgan Stanley đã ngay lập tức hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ 5,1% xuống còn 4,6% và điều này có thể làm sụt giảm mạnh nhu cầu sử dụng dầu thô tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, việc Mỹ tuyên bố mở kho dự trữ chiến lược với lượng lớn 180 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng, cũng là nguyên nhân khiến giá dầu đi xuống. Như vậy chỉ từ tháng 11/2022, Mỹ đã tuyên bố giải phóng kho dầu tới 3 lần. Mặc dù chưa có thông tin cụ thể, tuy nhiên các thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết sẽ phối hợp với Mỹ trong các đợt giải phóng kho dự trữ này.

Tuy vậy, theo phân tích của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, số dầu được giải phóng ở mức 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng cũng khó có thể bù đắp hoàn toàn sản lượng dầu thiếu hụt từ Nga. Đặc biệt, các nhà sản xuất dầu tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thực sự muốn tăng sản lượng. Trong tuần vừa rồi, theo số liệu của công ty cung cấp dịch vụ Baker Hughes, giàn khoan dầu khí trong tuần vừa rồi chỉ tăng 3 giàn khoan, lên mức 671 giàn khoan đang hoạt động.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá dầu tiếp tục suy yếu khi thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung dầu từ Iran. Bộ trưởng Dầu mỏ nước này cho biết, sản lượng dầu và khí tự nhiên ngưng tụ đã tăng lên hơn 3.8 triệu thùng/ngày, tiệm cận mức trước thời điểm Mỹ tiến hành áp đặt các lệnh cấm vận nước này năm 2018. Nếu Tehran và Washington có thể nối lại các vòng đàm phán, dầu thô của Iran có thể nhanh chóng giảm áp lực cho các khách hàng quốc tế cũ, đặc biệt là phía nước châu Á.

Theo Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ, các quỹ đầu cơ đã liên tục giảm vị thế mua ròng dầu thô trên cả 2 Sở Giao dịch. Cụ thể, tính đến hết ngày 29/03, các quỹ chỉ còn nắm giữ 212 nghìn hợp đồng mua ròng đối với dầu WTI và 141 nghìn hợp đồng mua ròng đối với dầu Brent. Điều này cho thấy các quỹ đầu tư đã có phần thận trọng hơn, và không đặt nhiều kỳ vọng vào kịch bản giá dầu có thể tăng đột biến trong ngắn hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)