Tin tức
Bản tin TCKD ngày 05/01/2022: Dầu thô giảm mạnh ngày thứ hai do áp lực vĩ mô và tiêu thụ suy yếu
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua 04/01, thị trường hàng hoá chìm trong sắc đỏ. Lực bán hoàn toàn áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hoá nguyên liệu thế giới đã kéo chỉ số MXV - Index giảm mạnh 2,33% xuống 2.340 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng có sự suy yếu, đạt trên 4.000 tỷ đồng.
Các mặt hàng xăng dầu dẫn đầu xu hướng giảm của toàn thị trường. Dầu ít lưu huỳnh giảm mạnh gần 6,5%, trong khi hai mặt hàng dầu thô đồng loạt giảm hơn 5%. Chốt phiên, dầu WTI kỳ hạn tháng 2 trên Sở NYMEX giảm về mức 72,8 USD/thùng và dầu Brent kỳ hạn tháng 03 trên Sở ICE giảm còn 77,8 USD/thùng.
Như vậy, lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại; kết hợp với việc các ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc; đã khiến giá dầu thô ghi nhận mức giảm của 2 ngày giao dịch đầu năm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Sức ép kép từ cán cân cung cầu, cùng với áp lực vĩ mô hiện đang đè nặng lên giá các mặt hàng xăng dầu.
Xét về nguồn cung, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC được ước tính đã tăng trong tháng 12 vừa qua nhờ sự phục hồi nguồn cung từ Nigeria. Cụ thể, trong tháng trước, OPEC đạt sản lượng 29 triệu thùng/ngày, tăng 120 nghìn thùng so với tháng 11/2022.
Trong khi nguồn cung đang được duy trì ổn định, bài toán nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc vẫn khó có thể tháo gỡ trong ngắn hạn. Các ca nhiễm Covid tăng vọt với số người thiệt hại gia tăng nhanh chóng tạo ra hiệu ứng tâm lý tiêu cực, thúc đẩy sức bán trên thị trường dầu. Theo nguồn tin từ Reuters cho biết, gã khổng lồ dầu khí nhà nước Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út có thể giảm giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Á với mức giảm khoảng 1,5 USD/thùng trong tháng Hai tới đây. Một phần là do sức ép từ sự chuyển hướng dòng chảy dầu từ Nga. Tuy nhiên, dòng chảy này cũng đang suy yếu trong tuần thứ 4 liên tiếp sang khu vực châu Á, do đó, đây đều là những tín hiệu cho thấy nhu cầu chậm lại đè nặng lên giá dầu.
Bên cạnh cung cầu, yếu tố vĩ mô cũng góp phần gây sức ép tới giá dầu trong phiên tối. Viện Quản lý cung ứng (ISM) mới đây cho biết chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 48,4 vào tháng trước, từ mức 49 của tháng 11, cho thấy môi trường lãi suất cao đang làm suy yếu dần hoạt động sản xuất. Dự báo mới nhất của Fed cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đạt 4,6% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với mức 3,7% đưa ra trong tháng 11. Đây tiếp tục là các yếu tố kéo giá dầu suy yếu.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại nước này trong tuần vừa qua đã tăng 3,3 triệu thùng, cao hơn so với dự báo của thị trường. Trong khi đó, tồn kho xăng tăng 1,2 triệu thùng, trái với mức dự đoán giảm. Dữ liệu này có thể tiếp tục khiến giá dầu gặp áp lực bán nhẹ trong phiên sáng nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)