Tin tức
Bản tin TCKD ngày 06/02/2023: Khí tự nhiên lao dốc 15%, dầu thô giảm mạnh hơn 7%
Thị trường hàng hoá kết thúc tuần giao dịch vừa qua (30/01 – 05/02) với lực bán hoàn toàn áp đảo. Đà giảm mạnh của toàn bộ các mặt hàng trong nhóm năng lượng và kim loại đã kéo chỉ số MXV- Index sụt giảm hơn 3,6%, xuống 2.354 điểm, là mức thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn duy trì sự ổn định. Chốt tuần, giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức trung bình 3.500 tỷ đồng mỗi phiên.
Thị trường năng lượng là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần vừa qua. Tất cả 5 trên 5 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm được ghi nhận đều trên 7%. Khí tự nhiên lao dốc đến hơn 15%, xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm trở lại đây do nguồn cung được nới lỏng trong khi nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu gia tăng tích cực hơn.
Cùng chung diễn biến, hai mặt hàng dầu thô được giao dịch nhiều nhất cũng đều chốt tuần với mức giảm rất sâu. Cụ thể, hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 03 trên Sở NYMEX giảm về sát mốc 73,4 USD/thùng và dầu Brent kỳ hạn tháng 04 trên Sở ICE đóng cửa ở dưới 80 USD/thùng.
Sức ép bán chủ yếu xuất phát từ yếu tố vĩ mô và bài toán nhu cầu kém sắc đã đẩy dầu thô về vùng giá thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây. Cụ thể, dữ liệu về thị trường lao động tại Mỹ được công bố vào cuối tuần qua bất ngờ tích cực đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến tăng lãi suất sẽ còn kéo dài. Theo Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, số người có việc ngoài ngành nông nghiệp đã tăng thêm 517 nghìn việc làm trong tháng 1, cao hơn rất nhiều so với ước tính chỉ 185 nghìn của các nhà kinh tế. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức 3,4%, thấp nhất kể từ năm 1969.
Điều này có thể sẽ tạo thêm không gian cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm hạ nhiệt thị trường lao động, củng cố sức mạnh của đồng USD và gây áp lực tới chi phí đầu tư mặt hàng dầu thô.
Tuy nhiên, theo MXV, rủi ro nguồn cung có thể sẽ sớm quay trở lại thị trường dầu, nhất là khi cuối tuần qua, nhóm các nước G7 và EU đã đồng thuận đặt mức trần giá 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu diesel của Nga, nằm trong kế hoạch cấm vận dầu tinh chế từ quốc gia này kể từ ngày 5/2. Tác động của lệnh cấm vận này vẫn còn nhiều ẩn số, song mới đây, Bộ trưởng năng lượng của Ả Rập Xê Út đã đưa ra cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt và đầu tư kém hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Cùng với đó, xét về nguồn cung của Mỹ, các công ty năng lượng trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên nhiều nhất kể từ tháng 6/2020. Theo dữ liệu từ Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 10 xuống 599 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
MXV cho biết, trong tuần này, thị trường dầu thô sẽ tạm thời ít chịu các tác động từ các yếu tố vĩ mô hơn so với tuần trước. Tuy nhiên, những lo ngại về việc Fed sẽ đẩy lãi suất lên trên 5%, nhất là khi bức tranh lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ như hiện tại, có thể sẽ tiếp tục gây trở ngại đối với đà phục hồi của giá dầu.
Sự tập trung sẽ chuyển hướng sang việc đánh giá các tác động từ lệnh cấm vận mới của các quốc gia châu u đối với dầu tinh chế của Nga. Trước đó, các nước EU đã tăng cường dự trữ với các chuyến hàng trong quý IV/2022, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2016. Ngoài ra, báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 2 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vào đêm thứ Tư tuần này cũng sẽ tác động mạnh tới xu hướng giá dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)