sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 06/03/2023: Khí tự nhiên tăng vọt 18%, dầu WTI sát mốc 80 USD/thùng

06/03/2023

Thị trường hàng hoá vừa trải qua một tuần giao dịch rất đáng nhớ khi nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức biến động mạnh nhất trong vòng nhiều tháng. Kết thúc tuần, thị trường nhanh chóng hồi phục sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 vào cuối tuần trước đó.

Mặc dù thị trường nông sản vẫn chịu áp lực đáng kể trong tuần vừa qua, tuy nhiên lực mua rất mạnh trên 3 nhóm còn lại, đặc biệt là nhóm năng lượng đã hỗ trợ chỉ số MXV -Index đóng cửa tuần tăng gần 2,4% lên 2.383 điểm, cao nhất trong gần 3 tuần trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.500 tỷ đồng mỗi phiên, ghi nhận mức tăng hơn 6% so với tuần trước đó.

Sắc xanh áp đảo trên bảng giá kim loại trong tuần vừa qua. Đáng chú ý, với mức tăng vọt 7,88%, hợp đồng bạch kim niêm yết trên Sở NYMEX đã chấm dứt chuỗi giảm 7 tuần liên tiếp và chạm mức 979,4 USD/ounce, cao nhất trong vòng gần 1 tháng. Trên Sở Giao dịch Kim loại LME, một loạt các mặt hàng kim loại cũng ghi nhận các mức tăng mạnh. Giá kẽm tăng hơn 3,8%, đồng tăng hơn 3%, nhôm cũng đã tăng gần 3%. Các mặt hàng này được thúc đẩy trước thông tin công đoàn công nhân kim loại Hàn Quốc đang lên kế hoạch đình công từ tháng 4 đến tháng 7, làm dấy lên lo ngại gián đoạn hoạt động các ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu và thép của nước này.

Trong khi đó, bạch kim nhận hỗ trợ mạnh mẽ trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng. Nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới là Nam Phi, đang phải đối mặt với sự cố về điện kéo theo các hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Giới phân tích dự báo, nếu tình trạng mất điện này tiếp tục kéo dài, sản lượng bạch kim của quốc gia cung ứng số 1 có thể sụt giảm lên tới 15%.

Ở một diễn biến quan trọng khác, thị trường năng lượng là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong tuần vừa qua. Đóng cửa tuần, toàn bộ các mặt hàng đồng loạt ghi nhận các mức tăng giá rất mạnh. Đáng chú ý, với mức tăng vọt đến hơn 18%, khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4 trên Sở NYMEX đã lấy lại mốc 3 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Cùng với đó, Dầu WTI cùng kỳ hạn cũng đã tăng mạnh 4,4%, tiến về sát mốc 80 USD/thùng. Còn dầu Brent tháng 05 trên Sở ICE thì cũng đã chạm mức 85,83 USD/thùng sau khi tăng hơn 3,6%.

Tin tức xoay quanh Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã làm chao đảo thị trường dầu trong phiên cuối tuần. Nhưng ngay sau khi nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của nhóm bác bỏ thông tin về việc rời khỏi OPEC, và cho biết sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng ít nhất là trong năm nay, giá dầu WTI đã tăng vọt sát 80 USD/thùng sau khi giảm xuống 75,9 USD/thùng ngay trước đó. Điều này cho thấy thị trường vẫn còn nhiều lo ngại về nguồn cung trong tương lai.

Thêm vào đó, giá dầu cũng nhận hỗ trợ khi mà cuối tuần qua, Tập đoàn sản xuất dầu khổng lồ Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út, thành viên cung ứng lớn nhất OPEC, đã tăng hầu hết giá bán chính thức dầu thô cho châu Á trong tháng Tư. Cụ thể, loại dầu chính Arab Light của công ty đã được nâng lên 2,50 USD/thùng so với tiêu chuẩn khu vực, cao hơn 50 cent so với mức của tháng trước. Đây là tháng thứ hai Aramco tăng giá cho châu Á, cho thấy đánh giá tích cực về tiêu thụ tại khu vực này.

Trong khi đó, giá khí tự nhiên cũng tăng vọt từ hỗ trợ mạnh mẽ của yếu tố cung cầu. Trung tâm dự báo thời tiết châu u dự đoán nhiệt độ sẽ lạnh hơn so với trung bình trong 7 ngày từ ngày 6/3 đến ngày 13/3, có thể khiến tiêu thụ tăng cao và hỗ trợ cho giá khí.

Ngoài ra, mới đây, hãng tin Reuters cho biết các đường ống dẫn khí đốt dòng chảy Nord Stream bị vỡ dưới biển của Nga sẽ được niêm phong và đóng băng vì không có kế hoạch sửa chữa ngay lập tức. Nguồn cung gặp gián đoạn cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với khí tự nhiên trong tuần.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)