Tin tức
Bản tin TCKD ngày 10/04/2023: Giá hàng hoá nguyên liệu biến động mạnh
Trong số 42 mặt hàng đang giao dịch tại MXV, có 9 mặt hàng tăng trên 3% và 6 mặt hàng giảm nhiều hơn 3%, với biến động trung bình 3,6%, đủ để thấy được sức nóng của thị trường trong tuần qua. Mặc dù giá dầu vẫn tăng mạnh, nhưng áp lực bán từ các nhóm mặt hàng khác như nông sản và kim loại, khiến chỉ số MXV-Index chỉ chốt tuần với mức tăng khiêm tốn 0,6%, lên mức 2.318 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt trên 4.100 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tuần trước đó.
Đóng cửa tuần, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ cắt giảm sản lượng, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thâm hụt. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 6,65% lên mức 80,7 USD/thùng, dầu Brent đóng cửa tuần với mức giá trên 85 USD/thùng, tương đương mức tăng 6,55%. Như vậy, hai mặt hàng dầu thô hiện đều đã vượt trên 80 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 10 tuần trở lại đây.
Lo ngại về nguồn cung càng trở nên sâu sắc khi mà Chính phủ Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục các công ty khai thác gia tăng sản lượng. Dữ liệu từ Tập đoàn Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu khí tại Mỹ trong tuần qua tiếp tục giảm 4 xuống còn 751 giàn hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho thấy tâm lý tương đối thận trọng khi hàng loạt các dữ liệu kinh tế kém sắc tại Mỹ làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế. Điều này thể hiện qua việc giá dầu cũng liên tục đi ngang trong các phiên cuối tuần.
Theo MXV, xu hướng đi ngang của giá dầu sau khi vượt mốc 80 USD/thùng có thể sẽ được phá vỡ trong tuần này, khi mà thị trường chờ đón hàng loạt các tác động cả về phía cung cầu và tình hình vĩ mô. Tuần này, hàng loạt các báo cáo tháng quan trọng trên thị trường dầu sẽ được công bố, dự kiến có thể khiến giá dầu biến động mạnh. Cụ thể, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC sẽ đồng loạt phát hành báo cáo tháng 3. Trong trường hợp các cơ quan này đồng loạt đưa ra quan điểm lo ngại về tình trạng thâm hụt trên thị trường dầu, giá có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ.
Mặc dù thị trường dầu thô đón nhận lực mua rất mạnh, nhưng mức tăng lớn nhất trên toàn thị trường lại thuộc về cà phê Arabica với mức 7,7% lên 4.407 USD/tấn. Cùng chung diễn biến, giá cà phê Robusta cũng tăng tới hơn 4% lên 2.299 USD/tấn.
Giá cà phê nhận hỗ trợ mạnh mẽ khi mới đây, Tổ chức Cà phê Thế giới ICO ước tính nguồn cung toàn cầu sẽ thâm hụt hơn 7,2 triệu bao loại 60kg trong niên vụ 2022/23. Trong đó, tổng nguồn cung Robusta trên toàn cầu được ICO ước tính sẽ giảm 2,1% so với niên vụ trước.
Thêm vào đó, lực mua càng được thúc đẩy khi số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York trong tuần qua tiếp tục giảm thêm 11.950 bao về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được thu mua trong khoảng 49.200 – 49.600 đồng/kg; tăng mạnh 1.000 đồng/kg so với tuần trước đó.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)