Tin tức
Bản tin TCKD ngày 10/11/2022: Dầu thô giảm mạnh ngày thứ 2 liên tiếp
Thị trường hàng hóa đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (09/11) với sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá của cả 4 nhóm mặt hàng nguyên liệu. Điều này đã khiến chỉ số MXV- Index giảm ngày thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 1,64% xuống 2.487 điểm. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư trong nước đến thị trường bật tăng rất mạnh trong ngày hôm qua. Giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận mức tăng tới hơn 60%, đạt 6.600 tỷ đồng.
Lực bán trong ngày hôm qua chủ yếu đến từ thị trường năng lượng với mức giảm mạnh của tất cả các mặt hàng xăng, dầu và khí tự nhiên. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên Sở NYMEX giảm mạnh gần 3,5% xuống 85,8 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 1 năm sau trên Sở ICE cũng đã giảm 2,84%.
Đây đã là phiên thứ 2 liên tiếp giá dầu thô giảm mạnh, do mặt hàng này đang phải tiếp nhận các thông tin bất lợi từ thị trường Trung Quốc. Số liệu vĩ mô về xuất nhập khẩu và lạm phát mới đây nhất của nước này không mấy tích cực. Cụ thể, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc lần đầu tiên giảm phát trong tháng 10 kể từ tháng 12/2020, với mức giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nhu cầu suy yếu đang khiến cho các nhà sản xuất phải hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu áp lực lớn khi tồn kho dầu thô thương mại tăng mạnh 3,9 triệu thùng trong tuần vừa qua, trong khi tồn kho dầu dự trữ chiến lược chỉ giảm nhẹ 3,6 triệu thùng. Báo cáo thị trường dầu hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cũng cho thấy sản lượng dầu tăng 200.000 thùng/ngày lên 12,1 triệu thùng/ngày, có thể khiến tồn kho tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cũng ở nhóm năng lượng, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12 trên Sở NYMEX thu hút nhiều sự quan tâm khi tiếp tục dẫn đầu đà giảm của thị trường với mức giảm 4,45% xuống 5,87 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, thấp nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây.
Nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu suy yếu đang là nguyên nhân chính khiến cho giá gặp sức ép. Tại Trung Quốc, tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroChina mới đây đã dự báo tăng trưởng nhu cầu khí tự nhiên trong năm 2022 của nước này có thể sẽ đạt mức thấp kỷ lục và thậm chí có thể ở mức âm do tăng trưởng kinh tế chậm chạp kết hợp với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, các quốc gia nhập khẩu đều đã và đang thực hiện các kế hoạch tích trữ trước mùa đông.
Không chỉ các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, các quốc gia tiêu thụ khí tự nhiên lớn nhất châu Á cũng đang tăng tốc dự trữ với tồn kho hiện đã trên mức trung bình 5 năm. Bên cạnh đó, các nước này hiện cũng tích cực kêu gọi và đưa ra chính sách tiết kiệm năng lượng bất chấp tồn kho đang ở mức tương đối thấp.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)