Tin tức
Bản tin TCKD ngày 11/01/2024: Nhu cầu yếu và tồn kho cao khiến giá dầu đảo chiều giảm
Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua. Lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày một lần nữa đảo chiều, suy yếu 0,58% xuống 2.097 điểm. Nhờ tính chất giao dịch 2 chiều, dòng tiền đầu tư trong nước tiếp tục gia tăng đáng kể, đạt trên 5.300 tỷ đồng, cao hơn 12% so với ngày trước đó.
Khí tự nhiên là mặt hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong ngày hôm qua. Sau khi tăng vọt hơn 7% trong ngày trước đó, đóng cửa hôm qua, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2 trên Sở NYMEX quay đầu giảm sâu 4,7%, về mức 3,04 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh; tuy vậy, đây vẫn là vùng giá cao trong 2 tháng trở lại đây của mặt hàng này.
Cùng chung xu hướng, 2 mặt hàng dầu thô đồng loạt đánh mất hơn 1% giá trị. Dầu WTI giảm 1,2 về mức 71,3 USD/thùng, dầu Brent chốt ở 76,8 USD/thùng, thấp hơn 1,02% so với ngày trước đó. MXV cho biết, nhu cầu tiêu thụ yếu, và tồn kho tăng cao, là yếu tố chính gây sức ép lên giá dầu trong hôm qua.
Cụ thể, báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thương mại của Mỹ tăng 1,3 triệu thùng trong tuần vừa qua.
Đáng chú ý, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt là 8 triệu thùng và 6,5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với số liệu trước đó của Viện Dầu khí Mỹ (API). Trong đó, tồn kho nhiên liệu chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sưởi đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Việc tồn kho sản phẩm dầu của Mỹ liên tục tăng mạnh trong những tuần gần đây phản ánh nhu cầu suy yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Điều này đã gây áp lực lên giá dầu ngay sau báo cáo.
Bên cạnh đó, theo MXV, triển vọng kinh tế yếu của khu vực châu Âu cũng làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu dầu. Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng khu vực đồng euro (Eurozone) có thể đã suy thoái trong quý trước và triển vọng trong thời gian tới vẫn còn yếu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)