sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 11/05/2022: Thị trường hàng hoá tiếp tục giảm, dầu WTI mất mốc 100 USD/thùng

11/05/2022

Kết thúc ngày giao dịch hôm qua 10/5, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường hàng hoá khiến chỉ số MXV-Index nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp với mức giảm 0,5% xuống 2.978 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng giảm nhẹ xuống mức 4.800 tỷ đồng khi một loạt các vị thế bán được mở ra đối với phần lớn các mặt hàng quan trọng.

Thị trường Năng lượng vẫn là tâm điểm chú ý trong ngày hôm qua khi các chứng kiến các mức biến động rất lớn. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 6 trên Sở NYMEX giảm sâu 3,23% và tuột khỏi mốc 100 USD/thùng, xuống còn 99,76 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 7 trên Sở ICE cũng đã giảm gần 3,3% xuống hơn 102 USD/thùng. Như vậy, chỉ sau 2 ngày, giá cả 2 mặt hàng dầu thô đã đánh mất tới khoảng 9%.

Tối hôm qua theo giờ Việt Nam, trong báo cáo Triển vọng Tiêu thụ Năng lượng Ngắn hạn, Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ EIA đã hạ dự báo tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2022 từ mức 99,8 triệu thùng/ngày xuống 99,61 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu trong năm 2023 cũng điều chỉnh giảm từ 101,73 triệu thùng/ngày xuống 101,55 triệu thùng/ngày.

Nguyên nhân chủ yếu do EIA điều chỉnh giảm số liệu tiêu thụ dầu của 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, EIA hạ dự báo tiêu thụ dầu của Trung Quốc xuống 15,56 triệu thùng/ngày trong năm 2022, giảm 90.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trong báo cáo tháng 4. Đây là yếu tố tiêu cực đối với thị trường, khi hai quốc gia “đầu tầu” đều cho thấy sự giảm sút.

Giá dầu tiếp tục chịu áp lực trong phiên sáng nay, khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/05. Tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng, ngược với kỳ vọng giảm của thị trường.

Cùng chung xu hướng của toàn thị trường, nhóm Nguyên liệu công nghiệp cũng chứng kiến mức giảm ở hầu hết các mặt hàng. Dẫn dắt đà giảm là dầu cọ Malaysia với mức 1,45% xuống còn 1.441 USD/tấn. Theo Uỷ ban Dầu cọ Malaysia tồn kho tại nước này đã tăng 11,48% so với tháng trước, lên 1,64 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Cùng với dầu cọ, 2 mặt hàng cà phê cũng đã có phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây. Cụ thể, cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên Sở New York giảm 1,12% xuống còn 4.493 USD/tấn và cà phê Robusta cùng kỳ hạn trên Sở London giảm 0,54% xuống 2.009 USD/tấn.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê tại châu Âu đang bị ảnh hưởng rất lớn trước bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu lao dốc cùng với lo ngại lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên khiến đồng Real liên tục suy yếu đã thúc đẩy hoạt động bán hàng từ nông dân Brazil khiến đà giảm chưa được kiềm chế.

Còn trên thị trường nội địa, theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 của nước ta đạt 157 nghìn tấn với kim ngạch hơn 362 triệu USD, giảm 25,4% về lượng và 23,6% về trị giá so với tháng trước đó. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê trong nước vẫn đạt tới 739 nghìn tấn, tăng 26,2% về lượng; kim ngạch luỹ kế thậm chí tăng đến 57% so với cùng kỳ năm 2022.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)