sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 12/01/2023: Triển vọng tiêu thụ hỗ trợ giá dầu tăng hơn 3%

12/01/2023

Sắc xanh quay trở lại bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới sau ngày giảm tương đối mạnh trước đó. Đóng cửa hôm qua ngày 11/01, ngoại trừ nhóm nguyên liệu công nghiệp, cả 3 nhóm mặt hàng còn lại đều đón nhận lực mua tích cực. Điều này hỗ trợ chỉ số MXV- Index bật tăng 1,16%, lên mức 2.388 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.200 tỷ đồng.

Nhóm Năng lượng là điểm sáng trong ngày hôm qua khi tất cả 5 trên 5 mặt hàng đồng loạt đóng cửa tăng giá. Giá xăng RBOB dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường với mức tăng rất mạnh 4,6%. Cùng với đó, dầu ít lưu huỳnh và dầu thô cũng đều đóng cửa với mức tăng trên 3%. Cụ thể, hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 02 trên Sở NYMEX chốt phiên ở mức 77,41 USD/thùng và dầu Brent kỳ hạn tháng 03 trên Sở ICE tăng lên 82,67 USD/thùng. Như vậy, dầu thô đã chạm mức cao nhất trong vòng 1 tuần trở lại đây.

Dầu thô bất ngờ duy trì đà tăng mạnh ngay cả khi thị trường không có quá nhiều thông tin mới hỗ trợ cho giá. Báo cáo tuần mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại và xăng lần lượt tăng 19 triệu thùng và 4,1 triệu thùng, và đều cao hơn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng như các dự đoán trước đó. Đây là mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 2/2021 và là mức tăng lớn thứ ba được ghi nhận trừ trước tới nay.

Giới phân tích nhận định, nguyên nhân việc tồn kho dầu thô tăng mạnh, trong khi tồn kho các sản phẩm lọc dầu không có mức tăng tương tự có thể xuất phát từ việc các máy lọc dầu chậm khôi phục sản xuất sau gián đoạn vì tình trạng đóng băng và thời tiết lạnh giá. Do đó, nhiều khả năng tồn kho chỉ tăng trong ngắn hạn và không tác động quá tiêu cực lên giá dầu.

Các số liệu trên đã không thể gây áp lực tới giá dầu khi mà thị trường vẫn đang cho thấy tâm lý lo ngại về rủi ro nguồn cung từ Nga, trong bối cảnh Liên minh Châu u (EU) tiếp tục áp dụng thêm các lệnh trừng phạt đối với Moscow. EIA cho biết lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển vào ngày 5/2 sẽ đáng lo ngại hơn hơn so với lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga thực hiện vào tháng 12 năm ngoái.

Động lực mạnh nhất thúc đẩy thị trường vẫn đến từ việc Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu thô ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều ước tính tích cực được đưa ra và ngày càng củng cố kỳ vọng nhu cầu của nhà nhập khẩu số một thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, và có thể sớm hơn so với dự báo trước đó là quý II.

Cụ thể, tổng doanh số bán xe chở khách của Trung Quốc ước tính sẽ tăng 5% vào năm 2023 và nhu cầu đi lại hồi phục sẽ là một yếu tố thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu. Các nhà phân tích tin rằng, các thông tin xoay quanh Trung Quốc sẽ là động lực của thị trường dầu thô trong quý I của năm nay.

MXV cho biết, trong ngày hôm nay, thị trường sẽ đón nhận hai thông tin lạm phát rất quan trọng là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc và Mỹ. Đây là cơ sở hàng đầu đối với các Ngân hàng Trung ương trong việc hoạch định các chính sách tiền tệ, và sẽ là yếu tố mang lại tác động rất đáng kể với thị trường dầu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)