sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 12/05/2023: Dầu WTI xuống mốc 70 USD/thùng

12/05/2023

Có đến 28 trên tổng số 31 mặt hàng nguyên liệu đồng loạt chịu sức ép bán mạnh trong hôm qua (11/05). Điều này kéo chỉ số hàng hoá MXV- Index nối dài đà sụt giảm sang ngày thứ ba liên tiếp, với mức giảm mạnh hơn 2% xuống 2.167 điểm, thấp nhất kể từ cuối tháng 08/2021. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường gia tăng mạnh mẽ, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 5.600 tỷ đồng, tăng vọt 55% so với ngày trước đó, lên mức cao nhất trong gần 2 tháng.

Đáng chú ý, sau khi giảm mạnh 2,33% trong ngày hôm qua, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 6 trên Sở NYMEX đã bị đẩy về vùng 70 USD/thùng. Cùng với đó, hợp đầu Brent kỳ hạn tháng 7 trên Sở ICE cũng suy yếu 1,87%, về mức dưới 75 USD/thùng.

Dữ liệu kinh tế kém tích cực Mỹ, cùng câu chuyện bế tắc về mức trần nợ, đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái và thúc đẩy lực bán. Trong khi đó, báo cáo thị trường dầu thô tháng 5 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng không có nhiều tín hiệu hỗ trợ cho thị trường. 

Cụ thể, tại Mỹ, số người nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp lần đầu đã tăng trong tuần vừa qua lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2021, đạt mức 264 nghìn đơn, cao hơn con số dự báo 245 nghìn. Thêm vào đó, bế tắc trong việc nâng trần nợ Mỹ, và rủi ro tiếp tục xảy ra với Ngân hàng PacWest khi người dân đồng loạt rút tiền. Niềm tin trên thị trường tài chính lung lay làm gia tăng sức ép tới nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới; từ đó khiến giá dầu liên tục gặp áp lực. 

Trong khi đó, báo cáo của OPEC tối hôm qua cho thấy, sản lượng dầu thô của nhóm OPEC gồm 13 quốc gia đạt trung bình 28,6 triệu thùng, thấp hơn 191 nghìn thùng/ngày so với tháng 4, nhưng chủ yếu do những bất ổn trong hoạt động khai thác tại Nigeria và hoạt động xuất khẩu tại phía Bắc Iraq. Sản lượng của thủ lĩnh nhóm là Ả - rập – xê -út không có dấu hiệu cắt giảm thêm.

Bên cạnh đó, sản lượng trong tháng 4 của các quốc OPEC-10 (sau khi loại trừ 3 nước Iran, Venezuela, Libya không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng) thì đạt mức 24,11 triệu, vẫn thấp hơn mức hạn ngạch mục tiêu 24,2 triệu thùng/ngày đã tính đến việc cắt giảm thêm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5. 

Để biết thêm các thông tin về thị trường Năng lượng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV):

“Có thể thấy, áp lực vĩ mô làm gia tăng nguy cơ suy thoái tại Mỹ vẫn đang là yếu tố chính cản trở đà phục hồi của giá dầu. Trong khi đó, nguồn cung từ Nga được duy trì sự ổn định bất chấp tuyên bố giảm sản lượng hay mức giới hạn giá của EU. Mặt khác, đà phục hồi kinh tế tại Trung Quốc diễn tiến chậm,  hoạt động của các nhà máy thu hẹp. Do đó, theo tôi, giá dầu WTI vẫn khó có thể vượt mức 76 USD/thùng, ít nhất là đến khi có thêm các báo cáo về sản lượng thực tế của OPEC trong tháng 5, thời điểm mà nhóm nước này chính thức cắt giảm thêm nguồn cung.”

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)