Tin tức
Bản tin TCKD ngày 12/12/2022: Dầu thô lao dốc 11% trong tuần trước, xuống thấp nhất 1 năm
Thị trường hàng hoá vừa kết thúc một tuần giao dịch biến động rất mạnh, với nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức đóng cửa thay đổi mạnh nhất trong vòng nhiều tháng. Chỉ số MXV- Index giảm đến 2,68%, xuống mức 2.385 điểm. Dòng tiền đầu tư đến thị trường theo đó cũng có sự suy yếu, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.100 tỷ đồng mỗi phiên.
Dẫn dắt xu hướng giảm của toàn thị trường là nhóm năng lượng khi tất cả 5 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Cả 2 mặt hàng dầu thô được giao dịch nhiều nhất là WTI và Brent, cùng với dầu ít lưu huỳnh đều giảm rất sâu ở mức hơn 11%. Đóng cửa, hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 01 năm sau trên Sở NYMEX giảm về mức 71 USD/thùng, dầu Brent kỳ hạn tháng 02 trên Sở ICE chốt ở 76,1 USD/thùng. Sau chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp, hiện dầu thô đã rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Sức ép vĩ mô liên tục đè nặng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ, đã kéo giá dầu suy yếu ở tất cả các phiên trong tuần. Trong khi đó, cán cân cung cầu đang nghiêng về dư cung. Hiện tại, biện pháp giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển từ Nga mặc dù đang gây ra một vài ách tắc đối với việc kiểm soát và vận chuyển dầu thô tại các cảng. Tuy nhiên mức 60 USD/thùng cho thấy khó có thể hạn chế được dòng chảy dầu từ quốc gia này.
Còn tại Mỹ, sản lượng dầu trung bình trong năm sau được dự báo sẽ vượt mức kỷ lục năm 2019. Theo số liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 2 xuống còn 780 giàn hoạt động trong tuần vừa qua sau nhiều tuần tăng trước đó. Từ đầu năm đến nay, số lượng giàn khoan dầu đã tăng khoảng 30%, khi các nhà sản xuất dầu đá phiến đã mở rộng hoạt động.
Thêm vào đó, thông tin mới cập nhật cho thấy, sự cố tràn dầu tại đường ống vận chuyển Keystone, liên kết các mỏ dầu ở Canada với các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang dần được khắc phục và dự kiến hệ thống sẽ khởi động lại vào ngày 20/12.Tin tức này càng góp phần củng cố nguồn cung và khiến giá dầu mất đi động lực hồi phục.
Theo MXV, tuần này sẽ là tuần mà nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý và thận trọng với 2 sự kiện quan trọng trong tháng. Tối ngày mai, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC sẽ phát hành Báo cáo thị trường tháng 12. Sau đó, rạng sáng thứ 5, Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed cũng sẽ có cuộc họp quyết định lãi suất. Thị trường hàng hoá, đặc biệt là nhóm năng lượng nhiều khả năng sẽ biến động rất mạnh quanh thời điểm công bố các số liệu trên.
Cùng chiều với xu hướng dầu thô, trên Sở Chicago, dầu đậu tương cũng giảm rất mạnh gần 8% xuống sát mức 1.323 USD/tấn, thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây. Sự lao dốc của dầu đậu tương đã hỗ trợ cho giá khô đậu tương tăng vọt 11,2%. Trong khi đó, đậu tương cũng đã bật tăng 3,15% trong tuần vừa qua.
Nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu khởi sắc trở lại, đặc biệt là tại Trung Quốc sau thời gian dài đóng cửa để kiểm soát dịch đã hỗ trợ tích cực cho giá đậu tương. Cụ thể, theo dữ liệu Hải quan, nhập khẩu đậu tương của nước này trong tháng 11 đạt mức 7,35 triệu tấn, cải thiện rất nhiều so với mức 4,14 triệu tấn trong tháng 10. Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ và mua hàng trong thời gian tới. Trong 2 báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tuần trước, Mỹ đã bán hơn 1,2 triệu tấn đậu tương niên vụ 2022/23 cho Trung Quốc và một số nước dấu tên.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay tại Cảng Cái Lân, giá chào khô đậu tương kỳ hạn giao quý 1 năm sau dao động trong khoảng 14.550 -14.900 đồng/kg, tăng nhẹ khoảng 100 - 400 đồng/kg so với đầu tuần trước. Trong khi đó, giá ngô Mỹ được chào bán trong khoảng 8.450 – 8.700 đồng/kg, giảm 200 - 600 đồng/kg.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)