sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 13/02/2023: Dầu thô tăng vọt 8% trước lo ngại nguồn cung thắt chặt

13/02/2023

Thị trường hàng hoá đón nhận lực mua rất tích cực trong tuần giao dịch vừa qua (06/02 – 12/02). Đặc biệt, đà tăng rất mạnh của các mặt hàng năng lượng đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng 1,66%, chốt tuần ở mức 2.393 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 3.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Trong khi sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá của cả 3 nhóm Nông sản, Năng lượng và Nguyên liệu công nghiệp; thì lực bán lại hoàn toàn bao trùm trên thị trường Kim loại với tất cả 10 trên 10 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Với nhóm kim loại quý, giá bạc kỳ hạn tháng 03 trên Sở COMEX giảm tuần thứ tư liên tiếp về 22,08 USD/ounce, là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2022. Cùng với đó, hợp đồng bạch kim kỳ hạn tháng 04 trên Sở NYMEX lao dốc tuần thứ năm liên tiếp về mức 951.8 USD/ounce.

Còn đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng cũng đã ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp về mức 8.854 USD/tấn. Sức ép lớn nhất đối với thị trường kim loại quý vẫn là sự phục hồi của đồng USD, trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ tích cực, khiến cho các nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhiều hơn so với mức dự kiến. Cùng với đó, kim loại cơ bản cũng chưa thể bứt phá do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng.

Trái ngược với thị trường kim loại, điểm sáng trong tuần qua thuộc về nhóm năng lượng với đà hồi phục mạnh mẽ của giá dầu. Chốt tuần, giá dầu WTI tăng hơn 8,6% lên trên mức 79,7USD/thùng, dầu Brent cũng đã tăng hơn 8% lên gần 86,4 USD/thùng.

Đà tăng được thúc đẩy sau tin tức Nga có hành động đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU). Cụ thể, Moscow sẽ tiến hành cắt giảm sản lượng khoảng 500 nghìn thùng, tương đương với 5% sản lượng của một tháng. Trong tuần vừa qua, EU cũng đã mở rộng lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, bao gồm cả việc bán các sản phẩm lọc dầu chế như dầu diesel, nhiên liệu bay.

Động thái này đe dọa sẽ làm gia tăng căng thẳng những lo ngại về nguồn cung, nhất là trong bối cảnh các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC +) sẽ chưa thực hiện bất kỳ hành động nào để lấp đầy khoảng trống từ Nga.

Trong khi đó tại Mỹ, các công ty năng lượng đã cắt giảm số lượng giàn khoan khí đốt tự nhiên nhiều nhất trong một tuần kể từ tháng 10/2017, đồng thời bổ sung nhiều giàn khoan dầu nhất trong một tuần kể từ tháng 6 năm ngoái tới nay. Nỗ lực này là dấu hiệu cho thấy nhu cầu được đánh giá sẽ dần phục hồi và là yếu tố hỗ trợ cho giá.

Theo MXV, trong tuần này, giá dầu có thể sẽ tiếp tục biến động đáng kể trước tác động của 2 báo cáo tháng lớn từ nhóm OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý vào báo cáo lạm phát của Mỹ thông qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 được công bố vào tối mai. Trong trường hợp lạm phát tiếp tục hạ nhiệt như dự đoán, sẽ giúp thị trường bớt lo ngại về mức độ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)